Thực phẩm "tắm" hóa chất: Mối nguy hại khôn lường với sức khỏe người sử dụng

Liên tiếp những vụ phát hiện, xử lý các cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, kinh doanh thực phẩm gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực phẩm bẩn, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại xuất hiện tràn lan đã và đang làm tổn hại sức khỏe, đe dọa tính mạng của người sử dụng. 

Mới đây, thông tin về một cơ sở ngâm thịt ốc bươu với hóa chất công nghiệp, sau đó cung cấp cho một số chợ và tiệm ăn khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Cụ thể, ngày 20/1, đội 5 phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM bất ngờ ập vào kiểm tra một cơ sở sơ chế thịt ốc tại khu dân cư Bến Lức (phường 7, quận 8) do ông H. làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhân viên đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc.

Bước đầu ông H. cho biết việc pha hóa chất với nước để ngâm thịt ốc là để làm sạch, tươi bóng và tăng ký trước khi giao cho một số chợ và tiệm ăn.

Thịt ốc bươu đã ngâm hóa chất tại cơ sở - Ảnh: Tuổi trẻ

Tại cơ sở trên, cơ quan công an ghi nhận gần 500kg hóa chất và hơn 1,3 tấn thịt ốc bươu đã được ngâm hóa chất. Công an đã tạm giữ số tang vật liên quan, tiến hành xác định hóa chất thu được tại cơ sở trên.

Cách đó không lâu, lực lượng chức năng cũng phát hiện một cơ sở chế biến nông sản tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày có đến 7-8 tấn củ cải được "tắm" hóa chất trước khi đến tay người tiêu dùng. 

Ông Bùi Văn Sáng (36 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, chủ cơ sở) cho biết, ông thường mua hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) của một người bán hóa chất (không rõ lai lịch) tại chợ Tam Bình, quận Thủ Đức để rửa và ngâm củ cải cho khách. Giá rửa 1 kg củ cải là 500 đồng.

Sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước để ngâm. Mỗi ngày cơ sở này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7- 8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 triệu - 4 triệu đồng.

Thông tin về một cơ sở dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng lòng bò khiến người tiêu dùng lo sợ cho chính tính mạng của mình. Cụ thể, Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai bắt quả tang một cơ sở chế biến, ngâm hóa chất làm trắng nội tạng bò rồi mang đi tiêu thụ do bà Huỳnh Thị Kim Hoa (33 tuổi)

Tại thời điểm lực lượng chức năng vào kiểm tra có 6 người đang chế biến nội tạng bò dưới sàn nhà dơ bẩn với số lượng lớn. Tiếp tục kiểm tra, công an phát hiện nhiều thùng xốp đựng hóa chất màu đen đặc, bên trong chứa hàng trăm ký nội tạng bò.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở khai mua nội tạng bò tại một số lò mổ trên địa bàn TP Biên Hòa và các huyện lân cận với giá rẻ mang về chế biến, tẩy trắng rồi mang đi các chợ đầu mối ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày, cơ sở bà Hoa chế biến khoảng 300 kg nội tạng bán ra thị trường.

Không ai có thể tưởng tượng những chiếc xúc xích thơm ngon bán trong nhiều hàng quán lại được làm từ da gà, lòng lợn thối; những chiếc đùi gà bợt bạt, xanh lè được "tắm" hóa chất rồi chế biến thành món gà rán thơm ngon; những nải chuối chín vàng được tẩm đẫm hóa chất... Thịt gà ôi thành gà tươi; thịt trâu thối, lợn sề hóa phép thành “thịt bò ngoại”; thịt lợn chết bệnh thành món heo quay giòn ngậy; nội tạng thối thành đồ nướng thơm ngon; cá ươn, cá thối thành đặc sản chả cá; tôm, cua, mực cũng được tiêm hóa chất để tươi lâu hơn,… Nỗi hoang mang vì "ăn gì cũng sợ" giờ đây không còn là nỗi lo riêng của các bà nội trợ, mà của cả xã hội, vì đang đe dọa đến tính mạng của tất cả mọi người, nên không thể bàng quan được nữa.

Thực phẩm bẩn đã và đang trở thành "đại nạn" trong toàn quốc. Một số người ngỡ rằng có thể tự bảo vệ được bản thân, gia đình bằng cách mua đồ ngoại nhập hay mua hàng ở các cửa hàng bán thực phẩm sạch, chấp nhận giá cả có thể đắt hơn nhiều lần so với mức giá thông thường. Nhưng thực phẩm ở đó có sạch thật, sản phẩm ngoại nhập có đúng như xuất xứ ghi trên bao bì hay không liệu có ai dám chắc?. 

Thực phẩm bẩn chính là căn nguyên của những vụ ngộ độc. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra như vụ hàng trăm công nhân công ty Worldon (Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM) bất ngờ đau bụng, ói, nhức đầu sau khi ăn bữa trưa. Hơn 100 công nhân của Công ty Apparel Far Eastern Việt Nam (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng phải nhập viện do ngộ độc thức ăn.

Dù không thống kê được hết, nhưng có thể thấy tình trạng mất an toàn thực phẩm đã tới mức báo động đỏ trong đời sống của người dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có tới 1/3 dân số các nước phát triển bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm, còn đối với các nước đang phát triển thì tình trạng càng trầm trọng hơn (khoảng 2,2 triệu người tử vong/năm do liên quan đến vấn đề thực phẩm).

Những thực phẩm nhiễm hóa chất sẽ gây ra một số triệu chứng với biểu hiện lâm sàng nhẹ như rối loạn tiêu hóa đường ruột, ngộ độc thức ăn, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu. Nếu nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, mật, thần kinh, cơ gây nguy hiểm tới tính mạng. Về lâu dài, khi tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến những bệnh nan y khó chữa như ung thư mật, gan, dạ dày, ruột, thậm chí vô sinh.

Để bữa ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm mua những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng, được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu, tránh mua hàng trôi nổi, không nên ăn uống ở những hàng quán kém vệ sinh, đồng thời biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm thích hợp để giữ lại dưỡng chất, phòng và loại bỏ những tác nhân gây hại như ngâm rửa cẩn thận là những biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe gia đình.

 

Bảo Đăng (T/h)