Nỗi sợ vô hình
Vốn dĩ trước nay, khi phụ nữ trở thành nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục..., thường không dám ngay lập tức lên tiếng, thậm chí có người phải lựa chọn sống khép mình trong một thời gian dài... Đến khi đủ dũng cảm nói lên sự thật, không ít người lại gặp phải ánh mắt soi mói bởi những tư duy ngược - đổ lỗi cho nạn nhân.
Thời gian qua cũng có không ít câu chuyện đau lòng bị người trong cuộc “vén màn”, song đã có những câu chuyện tương tự bị giấu kín chỉ vì nỗi ám ảnh bị dư luận soi mói.
Trao đổi với PV Phụ nữ & Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh một số vụ việc mà phụ nữ là nạn nhân bị cưỡng bức, quấy rối, xâm hại tình dục… khiến dư luận xôn xao với những luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh sự thương xót, cảm thông cho nạn nhân và phẫn nộ với người gây ra hành vi, thì cũng còn những ý kiến chỉ trích, đổ lỗi cho nạn nhân.
Đây không phải một hiện tượng mới. Trước đây, trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng đã từng phát biểu về xâm hại tình dục đối với trẻ em, tôi đã rất day dứt về chuyện, khi có sự việc xảy ra, vẫn còn rất nhiều người đổ lỗi cho nạn nhân với nhiều lý do: tại nạn nhân yêu đương sớm, tại nạn nhân không có kiến thức để tự bảo vệ mình… Đó là một xu hướng rất xấu! Bởi, khi chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân, có nghĩa là chúng ta đang tiếp tay cho những vi phạm tiếp diễn.
Và thói quen đổ lỗi cho nạn nhân cũng xuất phát từ tâm lý, khi sự việc xảy ra, phải tìm được người để đổ lỗi. Điều này thực sự rất không văn minh, thậm chí là tàn nhẫn. Nạn nhân đã gặp phải sự việc rất đau lòng, cần được cảm thông, chia sẻ, chứ không đáng bị lên án. Vậy nên, chúng ta cần đấu tranh rất quyết liệt với thói quen này, nó không chỉ là sự thờ ơ, vô cảm của mọi người, mà thậm chí còn thể hiện sự tàn nhẫn. Dù vô tình hay cố ý, thì đó vẫn là sự tiếp tay cho loại tội phạm này”.
Đồng tình với quan điểm đó, tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu (từng công tác tại viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định: “Chắc chắn, những lời tố cáo về việc xâm hại tình dục mà chúng ta chứng kiến chỉ là những le lói vô cùng ít ỏi trong bức màn đen bí mật “ngậm đắng nuốt cay” của nhiều nạn nhân không bao giờ dám hé răng.
Bạo hành xâm hại tình dục là một hành vi phạm tội có tính chất nhạy cảm đặc biệt, bởi nó liên quan đến tình dục, đến các vùng kín của cơ thể - vốn là những chuyện riêng tư, bình thường cũng chẳng ai nói ra vì xấu hổ.
Nạn nhân của các vụ tấn công tình dục gặp rất nhiều rào cản trong suy nghĩ của bản thân cũng như trong cách tiếp nhận của cộng đồng xung quanh khi muốn cất lên lời tố cáo”.
Cụ thể, nữ tiến sĩ phân tích: “Về mặt chủ quan, họ cảm thấy hổ thẹn, nhơ nhuốc khi phải kể lại những hành vi xấu xa của kẻ tấn công tình dục, bởi khi kể, họ sẽ bắt buộc phải mô tả lại từng chi tiết, từng hành động xâm phạm vào các vùng kín của cơ thể. Đó là chuyện rất khó khăn bởi mỗi lần kể lại là một lần tổn thương tâm lý như bị khoét sâu hơn.
Về mặt khách quan, trong thực tế xã hội tại Việt Nam hiện nay, tình trạng đổ lỗi lên đầu nạn nhân là tình trạng phổ biến trong các vụ cáo buộc bạo hành xâm hại tình dục.
Có bạn kể với tôi rằng, cô bạn gái thân thiết của bạn ấy bị hàng xóm hiếp dâm lúc còn nhỏ, nhưng khi uất ức nói ra thì bị cả xóm kỳ thị, thậm chí gọi là “cái con bị hiếp dâm”.
Xã hội vẫn nặng tính nam quyền, coi trọng trinh tiết phụ nữ dễ dàng dán nhãn những cô gái bị xâm hại thành một thứ xấu xa, không ai muốn đụng vào, không ai muốn kết hôn. Cộng đồng xung quanh đối xử với nạn nhân như vậy, thử hỏi, họ làm sao dám cất lên tiếng nói của sự thật, vì khi nói ra thì điều họ nhận lại là một cuộc sống bị bêu riếu, ghẻ lạnh, không còn tương lai”.
Thực tế đau lòng khi người có học thức gây ra tội
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ: “Qua những vụ việc đã được phơi bày, và tôi tin chắc rằng, đây cũng chỉ là phần nổi rất ít ỏi của một tảng băng, còn có rất nhiều vụ việc khác mà nạn nhân không lên tiếng, cứ để sự việc “chìm xuồng”…, ta có một cái nhìn khác.
Đó là, có thể chúng ta đã từng cho rằng, những đối tượng gây ra hành vi tương tự, chỉ rơi vào những người đàn ông thiếu hiểu biết, nhận thức về pháp luật còn yếu kém, hoặc những thành phần bất hảo ngoài xã hội… Tuy nhiên, thực tế, chúng ta cũng có thể thấy, những người gây ra loại tội phạm này thậm chí là người có học thức, có chức vụ, có địa vị xã hội…
Đây là một thực tế rất đau lòng! Qua phản ánh của báo chí, thậm chí có những người còn có một “vỏ bọc” vô cùng hoàn hảo, học thức cao, chức quyền lớn, thậm chí, công tác trong những lĩnh vực tưởng như rất tốt đẹp, nhân văn, mà lại có những hành vi đồi bại. Đây là một việc rất đáng báo động, cần lên tiếng rất mạnh mẽ và đấu tranh dứt khoát. Không thể để tái diễn, vì ảnh hưởng xấu đến sự phát triển xã hội. Tôi cho rằng, một xã hội văn minh không thể có những loại tội phạm như thế này tồn tại”.
“Bên cạnh đó, qua những vụ việc được lên tiếng, chúng ta có thể thấy rằng, nạn nhân của nạn quấy rối tình dục, cưỡng bức không chỉ là trẻ em, trẻ vị thành niên hay những người yếu thế trong xã hội, mà ngay cả những phụ nữ thành đạt, có học thức, có vị thế... cũng là nạn nhân của loại tội phạm này. Điều đó tác động rất xấu đến sự phát triển của xã hội.
Thử tưởng tượng, khi phụ nữ không được sống trong môi trường lành mạnh và an toàn, thì hệ lụy để lại rất lớn. Khi phụ nữ không được sống trong môi trường lành mạnh an toàn, sẽ không có những gia đình hạnh phúc, không có những đứa trẻ hạnh phúc, được nuôi dạy đúng theo sự văn minh, tiến bộ.
Chưa kể, bản thân những người phụ nữ khi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, thường sẽ bị ám ảnh cả đời. Không những bản thân người ta sống không hạnh phúc mà còn ảnh hưởng cả đến chuyện phấn đấu trong sự nghiệp. Tôi cho rằng, điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà thậm chí chúng ta cũng chưa thể lường hết được” - vị ĐBQH chia sẻ thêm.
Để thực sự bảo vệ phụ nữ khi trở thành nạn nhân bị xâm hại...
Để phụ nữ có thể thực sự thoải mái đấu tranh, không chỉ cần những người bên cạnh trực tiếp bênh vực. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu cho rằng, trách nhiệm của xã hội trong vấn nạn xâm hại, tấn công tình dục là rất lớn, nếu không muốn nói là chủ yếu. “Người thân bên cạnh chỉ có thể trực tiếp an ủi, vỗ về, chứ không áp đảo lại được dư luận và những đàm tiếu ác ý. Nhiều gia đình khi có người thân bị xâm hại còn đành câm nín vì lo sợ gánh nặng áp lực xã hội ghê gớm mà họ không dám đối mặt. Mỗi người chỉ cần buông một lời vu vơ, một cái chép miệng, một câu bình luận dễ dãi là đã đủ khiến mỗi- thành viên trong gia đình có người bị xâm hại chết lặng đi...”, nữ tiến sĩ cho biết.
Chính vì vậy, để thực sự bảo vệ phụ nữ, cũng cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội. “Để ngưng được lối nghĩ đổ lỗi lên đầu nạn nhân, chúng ta phải quay về với giáo dục. Khi nền giáo dục chú trọng vào việc nuôi dưỡng mầm thiện, lòng nhân ái và trí tuệ ưu mẫn thì con người sẽ biết yêu thương người yếu thế hơn, sẽ biết cảm thông với nỗi đau của đồng loại hơn và sẽ biết tránh gây thêm tổn thương cho những người đã sẵn quá nhiều đau thương trong đời họ. Chỉ bằng giáo dục (cả ở nhà trường và trong gia đình) thì chúng ta mới có những con người ý thức hơn trong việc bảo vệ nạn nhân thay vì đổ lỗi cho họ”, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề cập: “Không những chúng ta phải đấu tranh với những sự việc đã được lôi ra ánh sáng, mà phải quyết liệt với ngay cả những sự việc chưa có sự tố cáo của nạn nhân. Có thể nạn nhân chưa lên tiếng nhưng có người chứng kiến mà những người chứng kiến im lặng thì cũng là một sự đồng lõa với cái xấu, cái ác. Nếu chúng ta cứ im lặng và có thái độ thỏa hiệp như thế, việc đấu tranh cũng không đến nơi đến chốn.
Việt Nam là một quốc gia đã coi trọng vấn đề bình đẳng giới từ rất sớm, các cấp, các ngành đều đã vào cuộc rất tích cực về đấu tranh cho bình đẳng giới và cũng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong khoảng thời gian mấy chục năm qua. Nhưng nếu để thực trạng trên tiếp diễn, tôi e là, việc chúng ta đấu tranh cho bình đẳng giới trong những năm qua sẽ bị ảnh hưởng rất xấu”.
Cuối cùng, nữ đại biểu nhấn mạnh: “Nếu chúng ta chưa đấu tranh triệt để, thì thực trạng này vẫn cứ nảy nở sinh sôi. Và để đấu tranh thật quyết liệt, đầu tiên, chúng ta phải rà soát để sửa đổi luật, làm sao cho chế tài đủ mạnh đủ sức răn đe để không còn ai dám phạm tội. Chứ nếu các chế tài chưa đủ sức răn đe, thì chỉ tiếp tục buông lỏng cho những kẻ phạm tội tiếp tục làm bậy mà thôi”.
(Ảnh: NVCC).