Tiền điện 'bất ngờ' tăng cao sau dịp Tết, EVN Hà Nội làm sáng tỏ thắc mắc

EVN Hà Nội đã giải thích làm sáng tỏ thắc mắc tại sao hóa đơn tiền điện lại tăng bất thường sau dịp nghỉ tết Nguyên đán.

Mới đây, chia sẻ trên Báo Người lao động, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã làm sáng tỏ thắc mắc liên quan đến việc hóa đơn tiền điện tăng bất thường sau dịp nghỉ tết Nguyên đán vừa qua. Theo đó, hoá đơn tiền điện lần này cao hơn do Tổng công ty Điện lực Hà Nội đang thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, chuyển từ đầu tháng sang cuối tháng. Tức là, thay vì ghi chỉ số công tơ với khách hàng sinh hoạt trải dài từ ngày 3-20 hằng tháng, từ tháng 2, việc này được thực hiện vào cuối tháng.

Theo cách ghi mới thì số ngày sử dụng điện của khách hàng trong tháng 2/2024, thay vì 31 ngày như thời gian trước đây, sẽ thành tối thiểu 48 ngày đến tối đa 56 ngày sử dụng, số tiền điện trong tháng 2/2024 được tính gộp trên sản lượng 31 ngày cộng với số ngày thay đổi.

tien-dien-tang-1709520968.jpg
Hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng sau Tết. Ảnh Vietnamnet

Trên thực tế, hóa đơn tiền điện lần này thể hiện số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2. Đây cũng là lý do tiền điện cao hơn, vì số ngày tính tiền điện từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày.

Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; căn cứ văn bản số 915/BCT-ĐTĐL ngày 8/11/2023 của Bộ Công Thương, ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. 

Dựa trên tính toán của EVN, giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/KWh. Năm 2023, một vài thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí. Cụ thể, giá các nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức cao, như than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020; than trong nước tăng 30%-46% so với giá năm 2021. Giá dầu cũng tăng 18% so với năm 2021, nhất là tỉ giá ngoại tệ tăng gần 4%, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí mua điện và giá thành điện của EVN. Trong khi đó, sản lượng thủy điện - nguồn điện giá rẻ - giảm 17 tỉ KWh.

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân EVN đưa ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký Quyết định 2941 quy định giá bán điện, áp dụng từ ngày 9-11.

Theo quyết định này, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 - 50 KWh): 1.806 đồng (giá cũ 1.728 đồng); bậc 2 (51 - 100 KWh): 1.866 đồng (giá cũ 1.786 đồng); bậc 3 (101 - 200 KWh): 2.167 đồng (giá cũ 2.074 đồng); bậc 4 (201 - 300 KWh): 2.729 đồng (giá cũ 2.612 đồng); bậc 5 (301 - 400 KWh): 3.050 đồng (giá cũ 2.919 đồng); bậc 6 từ 401 KWh trở lên: 3.151 đồng (giá cũ 3.015 đồng).