Theo thống kê nhanh, chỉ trong tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xuất hiện các vụ bạo lực học đường, điều đáng nói nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này đều bắt nguồn từ một mâu thuẫn nhỏ.
Cụ thể vụ việc xảy ra gần đây nhất vào ngày 29/9, trong lúc vào nhà vệ sinh, giữa 2 học sinh lớp 10 của trường THPT Nam Đông, huyện Nam Đông đã xảy ra xích mích. Sau đó, 1 nam sinh đã dùng dao rượt khiến nam sinh còn lại bị thương.
"Ngay khi phát hiện vụ việc, giám thị nhà trường đã đưa em bị thương vào sơ cứu ban đầu, sau đó đưa lên Trung tâm Y tế huyện. Theo thông tin từ gia đình, hiện em học sinh bị thương đã được chuyển viện về thành phố", lãnh đạo trường THPT Nam Đông nói.
Tương tự vụ việc trên, vào khoảng 14h45 ngày 14/9, lãnh đạo trường THCS Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc nhận được thông tin hai học sinh nữ đánh nhau tại khu vực tái định cư cách trường 200m, qua tìm hiểu thực tế ngày 14/9, lớp 8/4 sẽ học hai tiết thể dục từ 15h35 đến 17h15 (tiết 4,5), tuy nhiên hai em H.T.L.A. và em T.T.H.L. đi học sớm chơi cùng nhau chỉ một mâu thuẫn nhỏ em L. không mua nước giúp dẫn đến thách thức nhau nên em A. đã đánh em L. bị thương ở vùng đầu.
Hay như trước đó, vào ngày 9/9, cũng chỉ vì xích mích nhỏ, 2 nữ sinh trường THCS Phong Sơn, huyện Phong Điền đã hẹn nhau đến đoạn đường liên thôn phía sau trường THCS Phong Sơn để đánh nhau.
Trước thực trạng trên, PV Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế để làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường của các em học sinh trong thời gian qua cũng như tìm ra các giải pháp để giúp các em học sinh có thêm kỹ năng trong việc phòng, tránh tình trạng bạo lực học đường.
Trao đổi với PV, TS. Hùng cho biết, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ở lứa tuổi học sinh THCS đây là độ tuổi dậy thì chưa ổn định, dễ nổi nóng, dễ bị tác động, lôi kéo; chỉ cần một lý do đơn giản nào đó thì sẽ dễ kích động dễ tấn công dẫn đến bốc đồng và phản kháng.
TS. Hùng phân tích, ngoài vấn đề phát triển tâm sinh lý không ổn định, các em còn thiếu quá nhiều kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường, các em học sinh chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, kỹ năng về giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giao tiếp văn hóa. Chính vì vậy, khi bị tấn công, các em không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác mà các em lại phản kháng vì vậy tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
"Để giải quyết được vấn đề này không phải ngày một ngày hai cũng không phải chỉ về phía nhà trường mà cần có sự quan tâm của gia đình. Bởi lẽ, khi bố mẹ quan tâm, các em sẽ cảm thấy hạnh phúc thì tất nhiên cảm xúc của các em cũng sẽ giảm căng thẳng và giảm bớt tình trạng bạo lực học đường. Ngoài ra, nhà trường cần nhận thấy rõ vai trò để giúp các em quản lý được hành vi chuẩn mực đạo đức của mình, bên cạnh đó, nhà trường cần chỉ rõ cho các em thấy hậu quả đối với người gây ra bạo lực học đường", TS. Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền trong các buổi chào cờ, sinh hoạt để chỉ rõ cho các em thấy được hậu quả của bạo lực học đường gây ra. Đồng thời, về phía cơ quan chức năng, họ cần quan sát các nhóm đối tượng có hành vi lôi kéo các em học sinh tham gia bạo lực, theo dõi các học sinh có ý định thực hiện hành vi bạo lực để kịp thời can thiệp, giúp giảm bớt tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
Trước những phân tích của TS. Hùng, PV đưa ra câu hỏi, "thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc một số em học sinh dù chứng kiến cảnh bạn mình đánh nhau nhưng không hề có hành vi can ngăn, thậm chí các em này còn đứng reo hò, cổ suý cho hành vi bạo lực ?".
Lập tức TS. Hùng đáp, "đây được coi là hành vi vô cảm của giới trẻ, có thể các em học sinh này chưa cảm nhận được sự chia sẻ, chưa cảm nhận được sự bị tấn công từ người khác cho nên khi gặp hành vi đó các em lại cổ suý, có lẽ các em này lớn lên trong môi trường gia đình đang có vấn đề về sự chia sẻ, sự bao bọc, sự che chở và yêu thương cho nên các em nhận được ít về điều đó và có thể các em này đang sống trong gia đình mà mình được nuông chiều quá nhiều hoặc bỏ bê".