Tọa đàm về ung thư vú cung cấp kiến thức và trao niềm tin cho người bệnh

Phụ nữ trên 30 tuổi nên đi tầm soát ung thư vú định kỳ tại các bệnh viện ung thư hoặc có chuyên khoa ung thư. Việc chủ động thăm khám thường xuyên sẽ đem lại hiệu quả phát hiện, điều trị tối ưu cho nhóm đối tượng nguy cơ và bệnh nhân ung thư vú.

Đó là những nội dung được TS. BS. Phan Thị Hồng Đức – Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu – Bệnh viện Ung Bướu TP HCM chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nâng cao nhận thức Ung thư vú” được tổ chức bởi Bệnh viện Ung bướu TP. HCM với sự tài trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.

Mang thông điệp “Trao tin tưởng, vững yêu thương”, nhằm hưởng ứng Tháng Nâng cao Nhận thức về Ung thư Vú trên toàn thế giới, buổi tọa đàm đã đem đến những tư vấn chuyên môn về cách chăm sóc sức khỏe, nhấn mạnh việc tầm soát sớm và các phương pháp hiện đại trong điều trị ung thư vú.

Tọa đàm kêu gọi cộng đồng chủ động tầm soát và nâng cao nhận thức bệnh ung thư vú

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Ung thư vú hiện là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể, theo ghi nhận của Globocan năm 2020, ung thư vú đứng thứ ba trong tổng số các loại ung thư với 21.555 ca trên tổng số 182.000 ca ung thư.

“Nguyên nhân gây ung thư vú chưa được xác định nhưng đã xác định được một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh”, TS. BS. Phan Thị Hồng Đức cho biết. Theo đó, những yếu tố nguy cơ của căn bệnh này bao gồm thay đổi nội tiết (như có kinh sớm, mãn kinh muộn, có sử dụng thuốc nội tiết thay thế, thuốc ngừa thai); gia đình có tiền sử mắc ung thư vú (bà ngoại, mẹ, chị em gái ruột mắc bệnh); chế độ ăn giàu chất béo, sử dụng rượu bia, thuốc lá; tuổi tác…

“Nam giới cũng có khả năng mắc ung thư vú.”, bác sĩ Hồng Đức nói. Tuy nhiên, bà cho biết tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới rất thấp, ở mức 1% so với nữ giới.

Để phòng chống bệnh, chuyên gia khuyến cáo cần tầm soát định kỳ để phát hiện các vấn đề bất thường, đặc biệt với nhóm người có nguy cơ cao.

TS. BS. Phan Thị Hồng Đức – Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu – Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM

“Phụ nữ trên 30 tuổi nên đi tầm soát ung thư vú định kỳ tại các bệnh viện ung thư hoặc có chuyên khoa ung thư. Tần suất khám cũng tuỳ theo yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Hồng Đức lưu ý. Ngay cả với phụ nữ trẻ tuổi, bà cũng cho rằng cũng cần chú ý đến tầm soát (tự khám tại nhà, nếu có bất thường thì đến cơ sở y tế để kiểm tra lại; tầm soát ung thư với những người có nguy cơ cao) do ung thư vú đang có xu hướng trẻ hoá.

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1 - 2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.

“Phát hiện càng sớm thì điều trị ung thư vú thì điều trị càng đem lại hiệu quả tốt.”, bác sĩ Hồng Đức nhấn mạnh.

Những tiến bộ y học trong điều trị ung thư vú hiện nay

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không may phát hiện muộn, bệnh nhân ung thư vú vẫn còn nhiều hi vọng điều trị. “Với bệnh nhân đến giai đoạn di căn, nhờ tiến bộ y học, những trường hợp sống trên 5 năm cũng không còn hiếm gặp”, bác sĩ Hồng Đức nói và cho biết lúc này, người bệnh nên đến khám và điều trị tại các bệnh viện có uy tín.

Đối với ung thư vú, điều trị đa mô thức vẫn là phương thức hữu hiệu và đang áp dụng rộng rãi, cải thiện tỷ lệ tái phát hoặc kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Điều trị này bao gồm phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân (hóa trị, nội tiết, điều trị nhắm đích, miễn dịch). Tùy vào giai đoạn, tình trạng mà người bệnh được gợi ý lựa chọn điều trị hiệu quả nhất.

Y học hiện đại đã đem đến nhiều cơ hội điều trị cho bệnh nhân ung thư vú

“Với phẫu thuật hiện cũng có nhiều tiến bộ như trước như thay vì cắt bỏ tuyến vú, nạo hạch thì nay có phẫu thuật bảo tồn, phẫu thuật sau đó tái tạo thẩm mỹ. Hay y học đã có cách thức để giảm thiểu độc tính xạ trị, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.”, bác sĩ Hồng Đức thông tin.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết, các liệu pháp điều trị mới như thuốc ức chế CDK4/6 trong điều trị ở bệnh nhân ung thư vú di căn có HR+, HER2-, thuốc kháng thể đơn dòng trong UTV có HER2+ đã kéo dài đáng kể thời gian sống không bệnh tiến triển, và đặc biệt là kéo dài thời gian sống toàn bộ cho bệnh nhân lên đến trên 5 năm.

“Nếu chẳng may mắc bệnh thì nên bình tĩnh và chấp nhận nó. Dù phát hiện muộn nhưng với các tiến bộ về điều trị, chăm sóc, hỗ trợ hiện nay, thời gian sống của bệnh nhân sẽ được kéo dài”, TS. BS. Phan Thị Hồng Đức kết luận.

Chương trình được tổ chức bởi Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM với sự tài trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.

VN2211187259