Toàn cảnh dự án khu dân cư Hoà Lân: Dự án nghìn tỷ vướng hàng loạt sai phạm nghiêm trọng
15:06 29/11/2019
Cho đến thời điểm này, KDC Hoà Lân đã bị nghiêm cấm giao dịch dưới mọi hình thức. Trong khi đó, Công ty Thiên Phú vẫn đang là chủ đầu tư của dự án này.
Dự án nghìn tỷ
Dự án Khu dân cư Hòa Lân có tổng diện tích là 490.765, m2, trong đó có 243.912 m2 Nhà nước có thu tiền sử dụng đất và 246.853,1m2 không thu tiền sử dụng đất, do Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) có trụ sở tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An làm chủ đầu tư.
Dư luận đang chờ đợi phán quyết từ cơ quan chức năng liên quan tới thương vụ đấu giá và những vấn đề khác tại dự án KDC Hoà Lân – Bình Dương
Công ty Thiên Phú đã vay tiền, vàng của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Chợ Lớn để sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày 26/4/2013, công ty này còn nợ Agribank là 1.117.689.720.000 đồng. Do gặp khó khăn về tài chính đến hạn phải trả nợ ngân hàng, nên giữa tháng 4/2015, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận, giao tài sản thế chấp là KDC Hoà Lân cho Agribank Chợ Lớn để bán đấu giá thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật.
Để tiến hành thu hồi nợ, Agribank Chợ Lớn cùng Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (trụ sở số 150 đường số 9, khu phố 1, P.Tân Phú, Q.7) ký kết hợp đồng số 10/2015/ĐGNSG, ngày 17/6/2015, bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất (243.912 m2) thuộc KDC Hoà Lân với giá khởi điểm là 1.467,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức bán đấu giá có nhiều khúc mắc, khuất tất ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nguồn thu của ngân hàng và thiệt hại cho Công ty Thiên Phú.
Qua tìm hiểu và điều tra của chúng tôi, thì các phiên đấu giá đều có những dấu hiệu bất thường. Điển hình là phiên thông báo đấu giá lần 3 vào ngày 16/10/2015 có công ty tham gia đấu giá, nhưng ngày 10/11/2015 Công ty Nam Sài Gòn thông báo cho phía ngân hàng biết là không có khách hàng nào tham gia?
Hay tại phiên thông báo bán đấu giá lần 6, ngày 10/5/2016, Công ty Hòa An Lộc (TP.Thủ Dầu Một) nộp đơn đăng ký đấu giá, rối phiên đấu giá lần 9 ngày 22/9/1916 có Công ty Trung Quý Huế (Thừa Thiên - Huế) mua hồ sơ nộp đơn, nhưng đơn vị đấu giá cũng thông báo là không có khách hàng nào tham gia?.
Qua 11 phiên thông báo đấu giá, mỗi phiên không có khách hàng tham gia, giá trị tài sản của KDC Hoà Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2; 5% lần 3; 10% lần 4; 10% lần 5; 10% lần 7; 3% lần 8 và 1% lần 9.
Việc điều chỉnh này khiến tài sản định giá để bán từ 1.467,7 tỷ chỉ còn 1.070 tỷ, tới phiên thông báo lần thứ 10 còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 chỉ còn có 900 tỷ đồng. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước, nguồn thu của ngân hàng và Công ty Thiên Phú.
Tại phiên đấu giá lần thứ 11, Công ty Thuận Lợi (TP.Thủ Dầu Một) đăng ký tham gia đấu giá, nhưng Công ty Thiên Phú và phía ngân hàng thống nhất kéo dài thêm thời gian đấu giá tới 28/2/2017 (gần một tháng). Tiếp đến ngày 1/3/2017, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 2 khách hàng đăng ký đấu giá là Công ty Thuận Lợi và Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House).
Đến phiên đấu giá lần thứ 12, thì có 3 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu giá. Trong đó Công ty Thủ Đức House cam kết trả tiền ngay nếu trúng đấu giá, còn Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình và Công ty Kim Oanh TP.HCM không có văn bản phản hồi công văn số 196/NHNoCL-TD nên được xem là thanh toán trả ngay nếu trúng đấu giá. Ngày 25/5/2017 Công ty Thủ Đức House trả 1.343 tỷ đồng, Công ty Kim Oanh trả 1.353 tỷ đồng và Công ty Kim Oanh trúng đấu giá.
Nhiều khuất tất
Theo luận số 62/KL-TTR của Thanh tra Bộ Tư pháp, thì việc đấu giá KDC Hoà Lân có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể là công ty đấu giá không kiểm tra chặt chẽ thông tin do ngân hàng cung cấp là không thực hiện đúng điều 3, khoản 26 Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Quy chế bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn, phương thức thanh toán tiền mua tài sản; Không có tài liệu thể hiện công ty đấu giá niêm yết thông báo đấu giá tại công ty (số 150, đường số 9, KP1, phường Tân Phú, quận 7).
Công ty Thiên Phú vẫn đang là chủ đầu tư của dự án này
Ngày 28/4/2017, chuẩn bị cho phiên đấu giá lần thứ 12, Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng tham gia đấu giá và đã đặt cọc trước 96,3 tỷ gồm: Thủ Đức House, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM và Công ty CP đầu tư Thái Bình.
Theo khảo sát của chúng tôi thì Thủ Đức House đáp ứng tốt nhất những điều kiện của ngân hàng là cam kết trả tiền ngay theo quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai doanh nghiệp còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10%, nhưng hồ sơ không thể hiện cam kết trả tiền trúng đấu giá ngay.
Quá trình làm việc, Thanh tra Bộ Tư pháp còn chỉ ra những sai phạm là: “Trong việc đấu giá tài sản KDC Hoà Lân, người tham gia đấu giá và trúng giá chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của công ty đấu giá và người có tài sản”.
Tại phiên đấu giá lần thứ 12 (ngày 25/5/2017), chỉ sau 14 vòng trả giá, Công ty Kim Oanh đã trúng đấu giá với việc đấu giá 1.353 tỷ đồng. Sau khi trúng đấu giá Công ty Kim Oanh đã không thực hiện đúng nội dung Nghị định 17/2010/NĐ – CP, nội dung hợp đồng bán đấu giá tài sản, Quy chế bán đấu giá tài sản và Biên bản bán đấu giá thành ngày 25/5/2017…
Không thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá như quy định của ngân hàng. Hết tháng 11/2018, Công ty Kim Oanh mới thanh toán được 847,8 tỷ đồng (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm), còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.
Trong khi đó, lý giải về việc chậm thanh toán tiền mua đấu giá tài sản, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Kim Oanh cho biết: “Hoàn toàn không do lỗi của công ty Kim Oanh, vì có những khó khăn nên Agribank Chợ Lớn đã đồng ý cho công ty Kim Oanh giãn tiến độ thanh toán. Đến ngày 20/5/2019, công ty Kim Oanh đã thanh toán toàn bộ cả tiền gốc và lãi với Agribank Chợ Lớn. Đồng thời đã chi phí cho rất nhiều khoản khác để triển khai, phát triển dự án với tổng số tiền lên đến gần 1.600 tỷ đồng?”.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thanh tra phát hiện ngày 25/5/2017, bộ 3 là: Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Agribank chi nhánh Chợ Lớn và Công ty Kim Oanh có ký biên bản với nội dung: “… Khách hàng mua được tài sản bán đấu giá phải thanh toán trong vòng 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành. Nếu quá thời gian 45 ngày mà không thanh toán đủ số tiền mua tài sản theo quy định, thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản và đồng ý hủy kết quả đấu giá vô điều kiện, chấp thuận để bên có tài sản bán đấu giá lấy lại tài sản bán đấu giá để bán lại cho người khác”.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị phía ngân hàng cần khẩn trương thu hồi số tiền gốc và lãi mà Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi nhà nước. Nếu doanh nghiệp này không có khả năng thanh toán, thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhận thấy những sai phạm nghiêm trọng trong việc đấu giá KDC Hoà Lân, thiệt hại nhiều về tài sản của mình, Công ty Thiên Phú đã đệ đơn lên TAND Quận 7, TP.HCM và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng làm rõ và giải quyết đúng vụ việc. Còn ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết là KDC Hoà Lân đã bị nghiêm cấm giao dịch dưới mọi hình thức.
Hiện vẫn còn hàng loạt câu hỏi liên quan đến dự án KDC Hoà Lân. Điển hình như trong việc ký hợp đồng, thế chấp tài sản mà theo công ty Thiên Phú là Agribank buộc thế chấp đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất; định giá đất công đưa ra bán đấu giá; liên quan đến nghĩa vụ thanh toán - đây cũng là một trong những điều kiện để hủy hợp đồng và mất tiền đặt cọc đấu giá; quá trình công chứng bán tài sản, mà theo công ty Thiên Phú là tài sản chưa được giải chấp, chưa có quyết định của UBND tỉnh Bình Dương…
THANH TÙNG