TP.HCM chi hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp: Áp dụng với những đối tượng nào?

UBND TP.HCM vừa đồng ý chi hơn 2.576 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1 triệu hộ lao động nghèo và 669.170 lượt người lao động tự do khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

tp hcm chi hon 2 500 ty dong ho tro khan cap ap dung voi nhung doi tuong nao dspl 1

TP.HCM chi hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Trưa 22/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn về việc tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, UBND TP.HCM đã chấp thuận việc bổ sung số hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa… và lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP để tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo Công văn 2627 theo đề xuất của sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.HCM.

Những đối tượng nằm trong diện hỗ trợ của gói hỗ trợ 2.576 tỷ đồng:

- Hơn 1 triệu hộ lao động nghèo với tổng kinh phí hơn 1.572 tỷ đồng.

- Đồng thời sẽ bổ sung hỗ trợ đối với hơn 669.170 lượt người lao động tự do (lượt người là số lần lao động tự do được hỗ trợ, mức hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng) với tổng kinh phí là 1.003.755 triệu đồng. Đây là số lao động tự do dự kiến bổ sung đợt 2 và phát sinh của đợt 1.

UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Trưởng ban Ban điều hành khu phố, ấp, Tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân khẩn trương rà soát kỹ, bổ sung hộ lao động nghèo và lao động tự do đang gặp khó khăn do thời gian giãn cách xã hội kéo dài để kịp thời chi hỗ trợ theo Công văn 2627 ngày 6/8/2021 của UBND TP.HCM.

Lưu ý việc chi hỗ trợ được thực hiện theo quan điểm:

- Không phân biệt hộ thường trú hay tạm trú, số nhân khẩu trong hộ, thành phần nghề nghiệp (công nhân, lao động nghèo, sinh viên học sinh) ở khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa...; đảm bảo không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.

- Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách và thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo thực tế chi hỗ trợ.

- Trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo có thành viên trong hộ đã hưởng chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP HCM thì không hưởng tiếp chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo.

- Việc phê duyệt danh sách hỗ trợ lao động tự do phải đảm bảo đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM và Mục IV Công văn 2209/2021 của UBND TP.HCM.

UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động tạm ứng ngân sách của địa phương để kịp thời chi hỗ trợ, góp phần ổn định cuộc sống người dân.

Trường hợp ngân sách của của địa phương có khó khăn thì lập dự toán gửi sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM bổ sung kịp thời.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, tổng hợp và thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho UBND TP.HCM.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay) ngoài gói 26.000 tỷ đồng do Trung ương triển khai phạm vi cả nước, TP.HCM chi 2 gói tổng kinh phí gần 1.800 tỷ đồng, giải ngân từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên nguồn hỗ trợ này chưa đủ khi số lượng người gặp khó khăn quá lớn. Nhiều người đã đăng ký nhưng đến nay chưa được nhận, vẫn phải chờ.

Theo UBND TP.HCM, hiện 1,5 triệu hộ dân với hơn 4,7 triệu người ở thành phố gặp khó khăn. Ngày 17/8, TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp đỡ người dân.

Thủy Tiên (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật