Hà Nội đã hỗ trợ 460 tỷ đồng cho người lao động gặp khó khăn do Covid-19

Phó Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí Hà Nội đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch là 460 tỷ đồng.

Theo báo Đảng Cộng Sản, thông tin tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội chiều 20/8, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỷ đồng.

Cụ thể, cùng với việc triển khai hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Thành uỷ, UBND chỉ đạo ngành bổ sung rà soát 10 nhóm đối tượng không ở trong diện được hỗ trợ theo quy định và đã được Thành phố phê duyệt. Cụ thể, hơn 210.000 người, hộ gia đình đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỷ đồng.

covid-ho-tro-1629502741.jpg
Chi kinh phí hỗ trợ đặc thù cho người dân tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) - Ảnh: báo Đảng Cộng Sản

Trong đó, các địa phương đã có quyết định hỗ trợ đối với hơn 144.300 người, gia đình thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện thụ hưởng… với kinh phí hơn 144,3 tỷ đồng. Số còn lại với gần 70.000 lượt người, hộ gia đình được các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố đã hỗ trợ khó khăn đột xuất về tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu với kinh phí gần 39 tỷ đồng.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân.

Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các chính sách tiếp tục được các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện. Đến nay, toàn thành phố có gần 1,53 triệu người lao động có quyết định hưởng các chính sách, chế độ, nguồn lực hỗ trợ với số tiền gần 208 tỷ đồng. Đa số người đã có quyết định hỗ trợ, thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đã nhận tiền. Riêng nhóm lao động tự do đã có gần 29.000 người nhận quyết định hỗ trợ với số tiền hơn 43,4 tỷ đồng, trong đó hơn 17.000 người đã nhận tiền (mỗi người 1,5 triệu đồng)...

Theo Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, cùng với chính các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Thành phố Hà Nội cũng đã bổ sung 500 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay giải quyết việc làm cho người lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Báo Chính Phủ thông tin thêm, TP. Hà Nội cũng đã bổ sung 500 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay, giải quyết việc làm cho người lao động nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Những ngày gần đây, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cũng đã tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách bằng các hình thức rất đa dạng, thiết thực với gần 30 tỷ đồng; công đoàn các cấp chăm lo cho hơn 40.000 lượt người lao động với số tiền gần 50 tỷ đồng; địa phương hỗ trợ các hộ khó khăn bằng hình thức xã hội hoá…

Về thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố trong việc hỗ trợ gạo cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo công văn số 5644/VPCP-KTTH ngày 16/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản hỏa tốc số 4740/SLĐTBXH-BTXH ngày 17/8/2021 đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại địa phương để tổng hợp nhu cầu của toàn Thành phố, báo cáo bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, đến nay, toàn Thành phố chưa có nhu cầu đề nghị hỗ trợ gạo.

Hải Đăng (T/h)