TP.HCM hỗ trợ người khó khăn vì dịch: Không để sót, không để trùng lắp

Công tác chăm lo cho người khó khăn vì dịch Covid-19 đang được TP. HCM triển khai khẩn trương với tinh thần không để sai sót nhưng cũng không để trùng lắp.

Sáng 10/8, TP. HCM họp báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Công tác chăm lo hỗ trợ cho người yếu thế như người lao động không có hợp đồng lao động, người nghèo,…đã được Giám đốc sở Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) TP.HCM Lê Minh Tấn báo cáo, giải đáp.

Về gói hỗ trợ đợt 1, đối với lao động hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương, đến nay thành phố này đã hỗ trợ được 92% trong số 56.000 người lao động, công nhân.

Đối với hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh, có 58.800 hộ đã được hưởng hỗ trợ, đạt 100%. Đối với hỗ trợ cho hộ thương nhân, có 15.000/16.500 trường hợp được hỗ trợ, đạt 90%. Chính sách đối với lao động tự do 365.394 người được thực hiện đạt 100% với kinh phí 576 tỷ đồng.

Dân sinh - Tp.HCM hỗ trợ người khó khăn vì dịch: Không để sót, không để trùng lắp

Giám đốc sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP. HCM Lê Minh Tấn.

Ngoài ra, Sở còn chăm lo các chính sách khác như: kinh phí 218 tỷ cho 22.300 công nhân; cho vay  phục hồi sản xuất 44 doanh nghiệp có 9.600 công nhân, kinh phí là 75 tỷ đồng; chính sách cho hướng dẫn viên du lịch là 6.000 người kinh phí trên 23 tỷ đồng; chính sách cho đạo diễn, diễn viên là 139 người, kinh phí trên 500 triệu đồng…

“Bà con buôn gánh bán bưng, làm nghề đơn giản, bảo vệ, khuân vác, thu gom giấy vụn… được tiếp tục hỗ trợ. Chúng tôi phấn đấu tới  15/8 sẽ đưa tiền hỗ trợ đến tận tay người dân. Quận Bình Tân, quận Tân Bình và Tp. Thủ Đức triển khá tốt khi đã giải ngân gần 40 tỷ/ 501 tỷ đồng”, ông Tấn đánh giá.

Quy định hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, tổng số 900.595 hộ được nhận 1 triệu đồng, thêm 500.000 đồng từ UB MTTQVN TP. HCM

Đối tượng lao động ở khu nhà trọ, khu lưu trú, khu xóm nghèo, khu phong tỏa gặp khó khăn là khoảng 175 hộ được nhận 1,2 triệu đồng và gói quà an sinh.

Tuy nhiên, ông Tấn cũng khẳng định: “Những ai thật sự khó khăn mới hỗ trợ, chứ không phải bất cứ ai cũng hỗ trợ. Việc hỗ trợ không phân biệt tạm trú hay có hộ khẩu và kinh phí được chuyển khoản hoặc đến từng hộ dân để chi”.

Trước câu hỏi của báo chí về những người lao động tự do chưa nhận được tiền hỗ trợ đợt 1 và đợt 2, Giám đốc sở LĐ,TB&XH TP. HCM cho hay: “Quan điểm là không để lao động nào trên địa bàn thành phố gặp khó khăn khốn khổ. Không để sót đối tượng nhưng cũng không để bị trùng lắp”.

Riêng các lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động của đợt 1, gói chính sách yêu cầu cung cấp giấy tờ tạm trú tại Tp. HCM do công an xác nhận. Vì thế, những người không có thì chưa được xem xét hỗ trợ.

Việc xác định trường hợp nào cần được hỗ trợ là do tổ dân phố, khu phố và các đoàn thể thực hiện, căn cứ vào mức thu nhập dưới 4 triệu/tháng của hộ cận nghèo.

Khẳng định rằng nơi nào trên địa bàn làm chưa tốt công tác hỗ trợ thì qua ánh, Sở sẽ chấn chỉnh, bổ sung cho người dân. Nhưng ông Tấn cũng chỉ ra thực tế số người, số tiền hỗ trợ đã tăng hơn mức dự kiến.

“Thống kê ban đầu chỉ là 230.000 nhưng thực tế phát sinh lên đến hơn 365.000 người. Số tiền dự kiến 300 – 400 tỷ đồng nhưng đã lên đến hơn 501 tỷ đồng”, ông Tấn cho hay.

Số lượng lao động tự do không ký kết hợp đồng đang được hỗ trợ đợt 2 là 365.794 trường hợp. Công tác hỗ trợ được thực hiện như đợt 1 là phải có đăng ký tạm trú và giải quyết đến ngày 15/8.

Riêng người lao động nghèo như xe ôm, cắt tóc,… và hơn 45 ngành nghề khác, chỉ giải quyết cho trường hợp thật sự khó khăn mới.

Nhóm này không phân biệt tạm trú hay thường trú, đều được giải quyết nếu gặp khó khăn thật sự. TP. HCM thống kê có khoảng 265.000 hộ, bao gồm hộ cận nghèo và hộ nghèo để tính toán ngân sách hỗ trợ.

“Tiền phải do sở Tài chính chi về. Nếu không kịp thì quận, huyện trích kinh phí từ quỹ dự phòng để chi trước. Nhưng nói để hiểu rõ là các đơn vị phải làm đúng thủ tục.

Lúc này đang khó khăn thì ai cũng hiểu. Nhưng mai mốt qua rồi thì không ai hiểu cho lúc khó khăn. Hỏi tại sao làm không đúng thủ tục. Không ai trả lời được”, ông Tấn phân trần.

Nguyễn Thành NhânNgười Đưa Tin Pháp Luật