Theo UBND TP.HCM, trước đó để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, UBND TP đã ban hành Công văn số 1749/UBND-VX về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, trong đó áp dụng một số biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 31/5.
Tuy nhiên, do biến chủng Delta (tên gọi của biến chủng virus Ấn Độ) có tốc độ lây nhanh nên trong 7 ngày vừa qua, TP.HCM đã phát hiện thêm nhiều chùm ca bệnh mới. Vì vậy, để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây của các chùm ca bệnh mới phát sinh, UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị, sở ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 15/6.
Theo đó, TP.HCM tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tạm dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các loại hình đã được quy định tại Mục 4, Mục 5 Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sau được phép hoạt động: nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu, điện, nước; nhiên liệu, ... ); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp…
Đối với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị hiện đại phục vụ các mặt hàng nhu yếu phẩm được hoạt động nhưng phải bảo đảm an toàn, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và đảm bảo khoảng cách khi chờ thanh toán.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải có đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét trong khi chờ lấy hàng.
Đối với các nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động, không phục vụ bia, rượu và các loại nước uống có cồn. Phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người từ 2 mét trở lên, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Đối với các hoạt động của ngành y tế như tổ chức hiến máu nhân đạo cần phải tiếp tục và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế trong quá trình tổ chức.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu người dân thành phố bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch; hợp tác với chính quyền Thành phố, chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng và trong nơi làm việc; người trên 60 tuổi ở nhà toàn thời gian; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thực sự cần thiết…
Người dân thành phố khi có các triệu chứng liên quan đến các yếu tố dịch tễ dịch bệnh COVID-19 phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, sàng lọc theo quy định; khai báo y tế trung thực, không được che giấu bệnh tình của mình.
Đối với UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt để bảo trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch; phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch, phải tự giác bảo vệ bản thân và gia đình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác chống dịch…
UBND TP.HCM cũng đã giao sở Y tế, sở Công thương, Công an TP.HCM, sở Giao thông vận tải TP.HCM… tăng cường phối hợp, cùng nhau hỗ trợ người dân, cơ sở, doanh nghiệp nâng cao tinh thần phòng chống chống dịch, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch…