Trắng đêm bắt "lộc trời" chui từ đất lên, giá 850k/cân, đem kẹp bánh mì bán giá gấp đôi tại Chiết Giang, Trung Quốc

Người dân ở vùng Chiết Giang, Trung Quốc đang rộ lên phong trào đi bắt "lộc trời" chui từ dưới đất lên, bán với giá cao ngất ngưởng.

Những ngày gần đây, cứ sau 19h tối, một số vùng núi ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc lại le lói, lác đác những ánh sáng trong màn đêm tĩnh mịch, thế nhưng không phải hiện tượng kỳ lạ nào, chỉ là nhiều người dân đang đổ xô vào rừng để tìm bắt "lộc trời", đó là nhộng ve sầu.

Nhộng ve sầu là giai đoạn ve non, chưa lột xác và chưa đến giai đoạn trưởng thành. Ve non thường bò từ mặt đất lên thân cây để kiếm nhựa cây. Quá trình này thường diễn ra từ 20h tối đến 6h sáng hôm sau, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.

Anh Diệp, một người dân sống tại thành phố Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, cho biết những ngày này, anh cùng rất nhiều người dân đều chăm chỉ đi bắt nhộng ve sầu vào ban đêm để kiếm tiền. Đây là mùa hè, mùa của loài ve sinh sôi nảy nở nên cũng là lúc dễ dàng bắt nhộng ve sầu nhất. Mỗi đêm, anh Diệp có thể bắt được 2,5 kg nhộng ve sầu, bán với giá 260 nhân dân tệ (hơn 850 nghìn đồng) mỗi cân. Chỉ trong vòng 10 ngày, anh Diệp và những người xung quanh có thể kiếm được tới 10.000 nhân dân tệ (gần 33 triệu đồng). Đây là số tiền không hề nhỏ, nhiều người làm việc vất vả nhưng không thể kiếm được thu nhập như thế.

Tại vùng núi ở quận Dư Hàng, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cứ sau 19h tối là người dân lại đổ xô lên núi để tìm bắt nhộng ve sầu chui từ dưới đất lên.

Một người dân chia sẻ lên mạng xã hội, cho biết mỗi đêm anh có thể bắt được khoảng 300 con ve non, sáng hôm sau lập tức có người đến thu mua rồi tiếp tục đặt hàng, thậm chí cung không đủ cầu.

Nhộng ve sầu thường được mua về để chế biến thành các món ăn. Trong khi nhiều người cho rằng món ăn này thật kỳ lạ và kinh dị thì một số người lại nói rằng món nhộng ve sầu rất ngon và bổ, được ví như "thịt Đường Tăng", do vậy mới có giá đắt đỏ như thế. Năm nay, giá nhộng ve sầu đã tăng gấp đôi so với năm ngoái do nhu cầu cao và ve cũng ít đi.

Anh Trần, chủ một cửa hàng mì ở quận Dư Hàng, cho biết cứ khoảng 19h30 đến 20h30 mỗi tối, anh đều lên núi tìm bắt nhộng ve sầu. Đây là khoảng thời gian ve sầu vừa lột xác nên thịt sẽ ngon nhất, nếu để lâu hơn vài tiếng thì chúng sẽ trưởng thành và bay đi. Có đêm, anh Trần bắt được nhiều nhất tới 700-800 nhộng ve.

Ngoài ra, một số người dân còn tìm kiếm xác ve sầu bởi đây được coi là một loại dược liệu quý. Trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, xác ve sầu được bán với giá lên đến 890 nhân dân tệ (hơn 2,9 triệu đồng) mỗi cân.

Không chỉ tại Chiết Giang, "cơn sốt" nhộng ve sầu còn lan đến cả tỉnh Sơn Đông. Tại thành phố Lâm Nghi, Sơn Đông, một cửa hàng bánh mì đã thu hút sự chú ý lớn khi mở bán sản phẩm vô cùng độc lạ, có một không hai, đó là bánh mì ve sầu vàng. Mỗi chiếc bánh mì kẹp khoảng 10 nhộng ve sầu sẽ được bán với giá 30 nhân dân tệ (gần 100 nghìn đồng), gấp đôi so với một chiếc bánh mì kẹp thông thường. Anh Kính, chủ cửa hàng bánh mì này cho biết, do người dân rộ lên phong trào ăn nhộng ve sầu nên anh mới thử bán bánh mì kẹp nhộng ve sầu, không ngờ lại được nhiều người đón nhận.

Tuy nhiên, việc ăn nhộng ve sầu này cũng gây ra nhiều tranh cãi về tác dụng và tác hại của nó. Nhộng ve sầu có giá trị thực phẩm và giá trị dược liệu cao, trong 1 kg có chứa hàm lượng protein lên tới 58%, cao hơn cả lượng protein có trong trứng hay thịt gà. Ngoài ra, nó còn chứa 10% chất béo, 0,3% kali, 0,58% phốt pho, 16,5 mg canxi, 82,2 mg kẽm. Theo ghi chép của dược liệu Trung Quốc, nhộng ve sầu có tác dụng bổ thận, tráng dương, bồi bổ cơ thể, hạ huyết áp, trị hói đầu, ức chế ung thư...

Thế nhưng bên cạnh đó, nhộng ve sầu cũng có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ với sức khỏe. Nhộng ve sống dưới đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể, gây ra ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, nhộng ve còn có thể gây dị ứng, dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng.

KHÁNH HẰNG