Một nhà hàng địa phương tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã bị điều tra sau khi có tin nhà hàng này tổ chức cuộc thi thử thách ăn hết 108 bánh bao hoành thánh cay để nhận phần thưởng.
Đài CNN đưa tin, ngày 9/7 cơ quan chức năng TP Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã ập vào một nhà hàng ở địa phương sau khi biết về cuộc thi 'thử thách vua bụng to" của nhà hàng.
Được biết nhà hàng này đã đưa ra thử thách nếu ăn hết 108 chaoshou (bánh bao hoành thánh cay), loại hoành thánh nhúng trong nước sốt cay nóng và chua đặc trưng của Tứ Xuyên, thực khách sẽ nhận được bữa ăn miễn phí và các phần thưởng khác.
Để thu hút sự quan tâm của mọi người, nhà hàng trên đã quảng cáo cuộc thi của mình trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, cục quản lý thị trường Trung Quốc cho biết sẽ mở một cuộc điều tra xem liệu nhà hàng trên có vi phạm luật về lãng phí thực phẩm hay không.
Hiện nay tại Trung Quốc, nhiều nhà hàng ở Trung Quốc đang bị điều tra về các cuộc thi tương tự.
Các cuộc thi ăn tương đối phổ biến ở phương Tây, song có thể là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, nơi nạn đói những năm 1950 và 1960 đã khiến khoảng 45 triệu người chết. Một số nhà hàng đã bị điều tra vì mở các thử thách ăn nhiều.
Tại Trung Quốc Luật chống lãng phí thực phẩm đã được ban hành vào năm 2021 sau khi chính phủ chỉ trích gay gắt việc các blogger phát trực tiếp cảnh họ ăn uống vô độ để thu hút người xem. Nhiều tài khoản tài khoản mạng xã hội đã bị cấm vì hành vi này.
Theo luật, chủ nhà hàng có thể bị phạt tới 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD, khoảng 33 triệu đồng) nếu cơ sở của họ "lôi kéo hoặc đánh lừa khách hàng gọi đồ ăn quá mức để gây lãng phí".
Đài phát thanh và truyền hình, cũng như những bên phát hành video và âm thanh trực tuyến sẽ phải đối mặt với mức phạt tối đa gấp 10 lần số tiền đó nếu bị phát hiện liên quan "sản xuất, xuất bản, quảng bá chương trình hoặc thông điệp về ăn uống vô độ".
Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình từng mô tả tình trạng lãng phí thực phẩm là "gây sốc và đau buồn". Vào tháng 3, ông đã khẳng định nguồn cung ứng nông nghiệp giống như nền tảng an ninh quốc gia.
Theo cơ quan quản lý thị trường địa phương, nhà hàng ở Nghi Tân "thể hiện hành vi ăn uống vô độ và khiến khách hàng gọi món quá mức".
Tuy nhiên, một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho rằng chính quyền đã làm quá. Một người khác cho rằng cơ quan quản lý thị trường nên tập trung vào an toàn thực phẩm, như bê bối sữa bột trẻ em bị nhiễm bẩn, dầu ăn tái chế trái phép nhiễm chất thải thực phẩm hoặc thậm chí là nước thải.
Như Quỳnh (T/h)