Từ vụ 3 con gái đốt mẹ ở Hưng Yên: Giải pháp giảm các vụ án do chia thừa kế

Liên quan đến vụ án 3 con ruột dùng xăng đốt mẹ ở Hưng, hiện cơ quan công an tỉnh này đã khởi tố vụ án giết để tiếp tục điều tra làm rõ. Theo luật sư, các vụ án do chia thừa kế có tính chất rất phức tạp và cần những giải pháp để giảm thiểu.

Nguyên nhân vì đâu?

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, dưới góc độ luật pháp thì việc chia tài sản thừa kế tưởng chừng như rất đơn giản là việc xác định rõ di sản thừa kế, hàng thừa kế, công sức tồn tại và các yếu tố liên quan. Nhưng thực tế, nhiều vụ án thậm chí dẫn đến giết người hoặc tìm mọi cách tẩu tán, chiếm đoạt tài sản thừa kế cho thấy sự phực tạp của các vụ án chia thừa kế.

Từ vụ án ba con gái đốt mẹ xảy ra tại thôn Thiên Lộc (xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tình Hưng Yên) gây rúng động và nhận được sự quan tâm rất lớn của dự luận nếu nhìn ở góc độ pháp lý sẽ thấy nhiều vấn đề đáng bàn liên quan vụ án này nói riêng, cũng như các vụ án chia thừa kế nói chung.

dao-hieu-ava-1667989014.jpg
Vụ án 3 con gái đốt mẹ ở Hưng Yên là vụ án rúng động liên quan đến chia thừa kế. Hiện sức khoẻ người mẹ vẫn chưa qua cơn nguy kịch.

Với sự phát triển của xã hội, giá trị tài sản thừa kế thường rất lớn và có giá trị. Các chuẩn mực đạo đức, con người thay đổi khi chú trọng vào giá trị vật chất hơn tình cảm.

Chính vì thế, nhiều khi con người trở nên tham lam, ích kỷ, vụ lợi hơn, sẵn sàng chà đạp lên mọi chuẩn mực, giá trị, đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật để được hưởng lợi nhiều hơn từ tài sản thừa kế.

Hậu quả nhiều vụ chia thừa kế cũng dẫn đến việc chia cắt, ly gián tình cảm, anh em bất hòa, thậm chí dẫn đến án mạng để tranh giành tài sản. Xu hướng coi giá trị vật chất, tài sản là yếu tố quyết định, trên hết đã làm che mờ đi các giá trị nhân văn, đạo đức.

Theo luật sư Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về chia thừa kế. Trước hết, việc phân chia tài sản không công bằng, sự công bằng này không thể chỉ căn cứ luật là chia đều theo hàng thừa kế mà còn tính đến cả công sức của các thành viên (tôn tạo tài sản, nuôi dưỡng người để lại di sản), việc quản lý tài sản, thờ cúng, thừa kế kế vị hoặc tạo dựng di chúc gây bất lợi cho người thừa kế khác.

Tiếp theo, xuất phát từ lòng tham con người muốn độc chiếm tài sản, hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy định pháp luật, sơ hở của người để lại di sản để muốn chiếm hết tài sản của người có di sản để lại.

Hay việc vi phạm các nghĩa vụ về thờ cúng, trông coi tài sản, chăm sóc người được chỉ định nuôi dưỡng, chăm sóc. Các hành vi vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của người quản lý tài sản, gây bức xúc, ức chế cho những người thừa kế khác, dòng họ.

Hoặc các hành vi liên quan ứng xử, sự thiên vị về tình cảm, chia tài sản của bố hoặc mẹ khi còn sống khiến cho các thành viên khác trong gia đình bức xúc.

Vì sao su hướng bạo lực tăng

Sự phức tạp của vấn đề chia thừa kế thể hiện vừa phải chia tài sản sao cho “công bằng” vừa giải quyết đảm bảo được yếu tố kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Sự công bằng ở đây cũng chưa hẳn là việc chia đều di sản thừa kế theo như quy định pháp luật mà còn xét ở khía cạnh hoàn cảnh gia đình, yếu tố tâm lý trọng nam, khinh nữ, công sức nuôi dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng và công sức tôn tạo của người quản lý tài sản…

Thực tế, để chia đều cho các hàng thừa kế, đảm bảo quyền lợi chung cho mọi người trong nhiều trường hợp là bài toán rất khó khăn, phức tạp.

Nhìn nhận từ vụ án xảy ra ở Hưng Yên, khi ba người con gái dùng xăng đốt mẹ có thể thấy một thực trạng đáng báo động về xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp. Bởi, thực tế cũng còn nhiều vụ án liên quan đến việc chia thừa kế mà các thành viên trong gia đình lựa chọn giải pháp dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp.

anh-1-ls-hung-1667989237.jpg
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Điều này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố từ văn hóa, con người, lối sống khi mà xã hội hiện đại con người lựa chọn lối sống khép kín, tôn trọng quyền riêng tư, không can thiệp vào các gia đình khác.

Yếu tố liên kết xã hội giảm, sự can thiệp, tác động bên ngoài của các cơ quan nhà nước, tổ dân phố hay gắn kết cộng đồng dân cư giảm.

Vai trò của yếu tố hòa giải tại cộng đồng dân cư chưa phát huy hết vai trò và chưa sát sao tình huống thực tế, chưa có sự liên kết với địa bàn dân cư. Sự bí bách trong việc lựa chọn các giải pháp, không nắm bắt quy định pháp luật, chưa tin tưởng vào các quy trình tố tụng cũng là một trọng các nguyên nhân xảy ra tình trạng mong muốn sử dụng bạo lực trong các vụ án giải quyết tranh chấp chia thừa kế.

Giải pháp giảm là gì?

Luật sư Hùng cho biết, thực tế Bộ luật dân sự 2015 quy định rất rõ ràng về tài sản thừa kế, hàng thừa kế, cách chia, cũng như các yếu tố liên quan đến việc chia thừa kế. Do đó, vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người, khi những người trong cuộc chưa thật sự sáng suốt, bị chi phối bới lòng tham, ích kỷ và đặc biệt là thiếu hiểu biết pháp luật.

Vì thế, việc tìm đến luật sư, chuyên gia, người am hiểu pháp luật để tìm hiểu kĩ các quy định pháp luật, quyền, nghĩa vụ của các bên trong các vụ án chia thừa kế, các quy định về quá trình giải quyết tranh chấp.

Lựa chọn các giải pháp hòa giải tranh chấp chia thừa kế thông qua các cơ chế hòa giải cơ sở, của người thân, UBND xã/phường. Khi có bất cứ mâu thuẫn nào nhen nhóm cần được can thiệp, hòa giải sớm để tránh tranh chấp, khiếu nại, bức xúc kéo dài. Về phía chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, tổ dân phố cần chủ động hơn nữa nắm bắt tình hình, chủ động có phương án hòa giải, giải hòa cho người dân.

Đối với trường hợp phát sinh tranh chấp không thể hòa giải, có thể lựa chọn các giải pháp khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp. Đây là cách thức vừa văn minh, an toàn và phù hợp quy định pháp luật.

Ngoài ra, cần phát huy các yếu tố văn hóa, tình cảm, sự gắn kết theo truyền thống trọng tình nghĩa của người Việt Nam. Sự gắn kết, động viên, chia sẻ của cộng đồng dân cư từng địa phương để khuyên ngăn, hòa giải bất hòa.

Đặng Thuỷ