Về Đồng Tháp thăm làng dệt chiếu hơn một thế kỷ

Người dân Định Yên vẫn giữ gìn công việc dệt những chiếc chiếu màu sắc rực rỡ, tốn nhiều công sức.

Năm 2013, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tại thời điểm đó, xã có hơn 3.000 hộ dân liên quan đến nghề dệt thủ công. Nằm cạnh sông Hậu, vùng đất này có nhiều cồn, bãi bồi để phát triển tốt các loại nguyên liệu là cây bố và lác để làm ra sản phẩm.

Từ những năm 1920, nghề dệt chiếu đã xuất hiện tại Định Yên. Các nguyên liệu khi đó không đủ dùng nên người dân phải lấy thêm từ Sa Đéc và các tỉnh lân cận. Thời điểm hưng thịnh và phát triển nhất của làng nghề là vào những năm 1980. Các sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Thái Lan, Campuchia...

 
Ngày nay, người dân đã bắt đầu sử dụng máy móc để làm sản phẩm nhanh hơn nhưng các hoa văn bằng tay vẫn mịn màng hơn hẳn.

Ở xã hiện vẫn còn nhiều người lớn tuổi có tay nghề cao. Theo một người làm lâu năm tại ấp An Bình, để làm được chiếu đòi hỏi người thợ phải lựa các sợi lác đều, không to quá cũng không được nhuyễn quá. Những sợi lác mang đi phơi nắng từ 30 phút đến một tiếng trước khi nhuộm trong nước đun sôi.

 

Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi mới mang vào dệt. Khi dệt xong, người thợ mang chiếu đi cắt bìa, buộc chỉ bìa và phơi nắng.

 
Du khách ghé thăm Đồng Tháp có thể dễ dàng tìm đường đến xã Định Yên. Từ cổng chào phía quốc lộ 80, bạn hỏi đường chạy hướng vào xã Định Yên chừng 2 km là đã thấy những bó lác nhuộm đủ màu đỏ, xanh, vàng, tím… được phơi lề đường.

 
 
Chiếu thành phẩm được bán với giá dao động trong khoảng 25.000 - 50.000 đồng một đôi, tùy theo chất lượng. Chiếu có nhiều loại và kích cỡ khác nhau.
 
 
Trước đây, người dân đem bán sản phẩm ở chợ chiếu Định Yên hay còn gọi là "chợ ma". Tên gọi dân gian bắt nguồn từ khoảng thời gian họp chợ vào ban đêm, kéo dài khoảng 2 tiếng do người thợ bận dệt chiếu vào ban ngày. Tuy nhiên, hình thức này hiện đã không còn.
 
Theo Di Vỹ & Vu Patrick/Vnexpress