Vì... buồn, thiếu niên14 tuổi uống 40 viên paracetamol, phải đi cấp cứu

Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa tiếp nhận 1 bệnh nhi bị ngộ độc paracetamol. 3 giờ trước khi nhập viện, em đóng cửa một mình trong nhà và có gọi điện cho bà nội than buồn.

Ngày 11/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nam sinh N.N.L. (sinh năm 2008, ngụ Quận 3) bị ngộ độc paracetamol.

thuoc-1652251379.png
Hình minh họa 

Thời điểm nhập viện cấp cứu, bệnh nhi lơ mơ, chưa rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ tiến hành súc rửa dạ dày và bệnh nhi đã qua khỏi cơn nguy hiểm. Sau đó, bệnh nhi được chuyển sang Khoa Nội tổng hợp tiếp tục theo dõi. Tuy không đe dọa tới tính mạng nhưng chức năng gan của L. vẫn bị ảnh hưởng.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhi, thời gian gần đây bố mẹ L. bận đi công tác xa. Cách 3 giờ trước khi vào bệnh viện, em đã đóng cửa một mình trong nhà, gọi điện thoại cho bà nội than buồn nên đã uống 40 viên thuốc paracetamol loại 500 mg. Ngay khi phát hiện sự việc, người thân đã đưa L. đi cấp cứu.

Theo các bác sĩ, việc tự ý sử dụng quá liều và không có sự kiểm soát của chuyên gia với paracetamol là vô cùng nguy hiểm, có thể trực tiếp ảnh hưởng đến gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Thời gian qua, vì ảnh hưởng của dịch, trẻ đã phải học tập và giải trí trong môi trường vô cùng hạn chế, phần nào đã tác động đến tâm lý của các em. Những trường hợp như bé L., vì những phút nông nổi mà hành động dại dột đang ngày càng tăng dần.

Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ và người thân nên dành thời gian để quan tâm con, chơi với con nhiều hơn. Từ đó kịp thời gỡ rối hay tiếp cận các vấn đề thầm kín của con từ trong học tập đến các vấn đề xã hội.

Khi phát hiện con có biểu hiện stress, phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ cả trong gia đình và ở nhà trường để giúp trẻ giảm tải áp lực đồng thời giúp trẻ thiết lập mối quan hệ tích cực.

Ngoài ra nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đoàn đội, vui chơi tập thể và luyện tập thể thao để giảm bớt căng thẳng nội tâm.

Trong trường hợp không cải thiện, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tránh tình trạng để trẻ căng thẳng quá lâu dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm gây ra những hậu quả khó lường như: Tự hủy hoại bản thân, tự tử hay nghiện ngập...