Vì sao F0 khỏi bệnh thường lo âu, mất ngủ?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng, Covid-19 vừa gây nên những tổn thương về thực thể, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Nhiều biểu hiện hậu Covid-19

Thời gian gần đây, số ca F0 trên cả nước đều tăng, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Số ca F0 tăng và điều trị tại nhà cũng ở mức cao, bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị, số F0 đã điều trị khỏi cũng thường gặp phải những biểu hiện hậu Covid-19 như lo âu, mất ngủ…

Theo dõi trên các hội nhóm tư vấn điều trị F0 tại nhà online, có rất nhiều người đã lên mạng để xin ý kiến bác sĩ về các vấn đề mà mình gặp phải sau khi khỏi Covid-19.

Thu Hương (SN 1995, Hoà Bình) là bệnh nhân F0, có bệnh nền là tan máu bẩm sinh nhưng kể từ khi khỏi bệnh Hương cảm thấy hụt hơi, khó thở. “Bình thường, tôi có thể giúp bố mẹ quét nhà, quét sân, nhưng từ khi là F0 thì tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, thở dốc, hụt hơi. Tôi cũng bồn chồn lo lắng nên đã lên hội nhóm xin ý kiến tư vấn của bác sĩ và chuyên gia tâm lý”, Hương chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Nguyệt cũng là bệnh nhân F0 đã điều trị khỏi thì thắc mắc: “Xin bác sĩ cho tôi hỏi, tôi là F0 đã khỏi bệnh, nhưng kinh nguyệt không đều và hay mất ngủ mà trước nay tôi không hề bị như vậy, tôi cần lời khuyên, có nên dùng thuốc an thần không?”.

Tương tự, anh Tạ Văn Chiến (quê Nam Định) cho biết anh đã điều trị khỏi Covid-19, nhưng luôn cảm thấy lo âu, thậm chí thi thoảng lại thấy rùng mình vì quãng thời gian dài ở cách ly một mình trong phòng.

Ngoài ra, còn rất nhiều người thắc mắc bị mệt hơn, yếu hơn hoặc bị rụng tóc sau khi là F0 khỏi bệnh...

Sự kiện - Vì sao F0 khỏi bệnh thường lo âu, mất ngủ?

Nhiều F0 khỏi bệnh có biểu hiện lo lắng (Ảnh minh hoạ)

Chia sẻ, hỗ trợ tâm lý là điều cần thiết

Mỗi ngày, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng, trưởng nhóm dự án tham vấn tâm lý miễn phí "Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch” cùng cộng sự nhận rất nhiều cuộc tư vấn của các F0 đã khỏi bệnh nhưng có các biểu hiện lo âu, mất ngủ…

Chia sẻ với Người Đưa Tin về nguyên nhân khiến F0 đã khỏi bệnh thường lo âu, mất ngủ, chuyên gia Nguyễn Hoàng cho hay: “Hầu hết những người mắc Covid-19 có thể hổi phục trong vài tuần. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó với người mắc lại không chỉ dừng lại trong vài tuần.

Covid-19 vừa gây nên những tổn thương về thực thể, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, trong đó phải kể đến các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)…”.

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng, những vấn đề về sức khỏe tâm thần của các F0 khỏi bệnh có thể đến từ những nguyên nhân khác nhau. Nó có thể là do những thay đổi, suy giảm từ sức khỏe thể chất (khó thở, đau đầu, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,…) dẫn đến mệt mỏi, các thay đổi về giấc ngủ. Đồng thời, nó cũng có thể đến từ những trải nghiệm trong thời gian nhiễm bệnh.

Sự kiện - Vì sao F0 khỏi bệnh thường lo âu, mất ngủ? (Hình 2).

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng tư vấn cho các F0 khỏi bệnh cần hỗ trợ về mặt tâm lý.

“Chẳng hạn như việc bị cách ly trong thời gian nhiễm bệnh khiến cá nhân không tin vào khả năng kiểm soát của chính mình, sự kỳ thị từ những người xung quanh, những lo lắng sẽ lây bệnh cho người thân… rất dễ khiến các F0 có những mặc cảm tội lỗi, tự trách bản thân mình. Hay những lo sợ, đau buồn từ sự mất đi những người bên cạnh cùng nhiễm bệnh”, chuyên gia Nguyễn Hoàng cho hay.

Đã và đang tham vấn tâm lý cho nhiều trường hợp bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng còn nhận thấy, với những người có triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19, phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, việc đấu tranh để sống sót sau trải nghiệm này cũng có thể khiến họ có nhiều khả năng phát triểnrối loạn stress sau sang chấn, trầm cảm và lo âu. Nên,dù có hồi phục khỏi covid-19 thì những tổn thương về tinh thần vẫn còn kéo dài và ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày.

Sự kiện - Vì sao F0 khỏi bệnh thường lo âu, mất ngủ? (Hình 3).

Chia sẻ, hỗ trợ tâm lý từ người xung quanh và các nhà chuyên môn là rất cần thiết đối với những F0 đã khỏi bệnh.

“Tất nhiên, đó không phải là tất cả các nguyên nhân, vì ảnh hưởng của hậu Covid-19 đến sức khỏe thể chất và tinh thần vẫn còn được nghiên cứu. Việc có những bất ổn về tâm lý là phản ứng bình thường trước sự thay đổi bất thường của môi trường sống. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nó sẽ trở thành những vết thương khó lành hơn. Và những tổn thương ấy có thể xuất hiện ở tất cả mọi người, dù là có triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng hay rất nhẹ”, chuyên gia Nguyễn Hoàng chia sẻ.

Do đó, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng việc được chia sẻ, hỗ trợ tâm lý từ người xung quanh và các nhà chuyên môn là rất cần thiết đối với những F0 đã khỏi bệnh. Đó chính là sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe cho chính mình để có chất lượng sống tốt hơn trong thời kỳ bình thường mới.

Điều cần nhấn mạnh là sau khi trở thành F0 và khỏi bệnh, ta biết thêm được rằng mình đã trở thành người mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn so với những gì ta thường tưởng tượng về chính mình.

Theo bản tin Bộ Y tế về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ngày 9/2, từ 16h ngày 8/2 đến 16h ngày 9/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.052 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 16.608 ca trong cộng đồng).