Vinapharm lên kế hoạch lãi tăng gấp 2,5 lần năm trước

Năm 2023, Vinapharm lên kế hoạch đem về 5.917 tỷ đồng doanh thu và 334,5 tỷ đồng lãi trước thuế, các chỉ tiêu này lần lượt tăng 4,3% và gấp 2,5 lần năm ngoái.

Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm, UPCoM: DVN) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào ngày 30/6 tới đây.

Ngành Dược đang đón nhận một số thông tin tích cực từ phía các cơ quan quản lý. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu cho các đơn vị y tế công lập và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tại Việt Nam.

Do đó, Vinapharm kỳ vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm mới với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này, đồng thời giảm áp lực cạnh tranh.

Trên cơ sở đó, Vinapharm lên kế hoạch năm 2023 đem về 5.917 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 334,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với kết quả thực hiện của năm liền trước, các chỉ tiêu này lần lượt tăng 4,43% và gấp 2,5 lần. Năm 2023, HĐQT Vinapharm dự kiến trả cổ tức năm 2023 với tỉ lệ 5%.

Trong năm 2023, HĐQT và Ban điều hành Vinapharm sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp dược ngoài danh mục các đơn vị thành viên hiện tại để tối ưu hoá sử dụng vốn và tận dụng các cơ hội đầu tư tốt trên thị trường.

Bên cạnh đó, rà soát, nghiên cứ, đánh giá và xem xét việc thoái vốn của Tổng công ty tại những công ty hoạt động kém hiệu quả hoặc không phù hợp trong chiến lược phát triển của Tổng công ty nhằm thu hồi vốn đầu tư. Vinapharm sẽ sử dụng nguồn vốn này để đầu tư vào các công ty/dự án khác có hiệu quả cao hơn.

Đồng thời, hỗ trợ CTCP Dược phẩm Sanofi – Synthelabo (SSV) thực hiện các thủ tục chuyển nhượng 37 nhãn hiện và giải thể công ty. Triển khai mua tiếp 15% cổ phần của CTCP Sanofi Việt Nam ngay khi Công ty SSV hoàn thành thủ tục giải thể.

Liên quan đến cơ cấu sở hữu, ngày 2/6, quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại đã được chuyển giao từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Với việc thay đổi quyền đại diện, HĐQT Vinapharm cũng dự kiến trình thông qua 2 mức thù lao dựa trên hệ số điều chỉnh cho 2 giai đoạn của năm 2023 (từ 1/1 - 30/6 và từ 1/7 - 31/12).

Trong giai đoạn 1 - thời điểm người quản lý công ty chuyên trách là người đại diện phần vốn Nhà nước gồm 2 người là Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT chuyên trách, tiền lương của Tổng Giám đốc là 86,5 triệu đồng/tháng; Thành viên HĐQT chuyên trách là 57,5 triệu đồng/người/tháng; Trưởng Ban kiểm soát nhận 53 triệu đồng/tháng.

Thù lao của Chủ tịch HĐQT là 20 triệu đồng/tháng; Thành viên HĐQT không chuyên trách nhận 8 triệu đồng/người/tháng; Thành viên BKS là 3 triệu đồng/người/tháng; Thư ký Công ty nhận 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong giai đoạn 2 - khi người quản lý công ty chuyên trách là người đại diện phần vốn Nhà nước tăng lên thành 3 người là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT chuyên trách (có thể thay đổi theo quyết định của SCIC), tiền lương cho Chủ tịch HĐQT là 85 triệu đồng/tháng; Tổng Giám đốc nhận 76 triệu đồng/tháng; Thành viên HĐQT chuyên trách nhận 55 triệu đồng/người/tháng; Trưởng BKS nhận 53 triệu đồng/tháng. Thù lao cho các Thành viên HĐQT không chuyên trách, BKS và Thư ký không đổi.