Hàng loạt thông tin liên quan đến ông Lê Tùng Vân "Tịnh thất Bồng Lai" bị khởi tố khiến dư luận phẫn nộ. Tuy nhiên, bên cạnh những hành vi đáng lên án của ông Lê Tùng Vân thì thông tin được chia sẻ nhiều nhất trong những ngày qua lại là hình ảnh, thông tin cá nhân về những đứa trẻ sống ở đây. Từ tên tuổi những đứa trẻ, mối quan hệ, thông tin giám định ADN... và cả những "cây gia phả" do cộng đồng mạng tự vẽ lên cũng bị lan truyền trên mạng xã hội, nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Đại diện cục Trẻ em khẳng định trên , lỗi lầm của người lớn không liên quan đến trẻ em và sự việc các em bé tại đây bị các đối tượng trục lợi bất chính đã có cơ quan công an xử lý. Pháp luật có quy định rõ việc lộ bí mật thông tin của các em bé tại đây sẽ bị xử phạt.
Theo Cục trưởng cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, các em bé tại Tịnh Thất Bồng Lai không phải trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ vì đều được khai sinh, sống với mẹ tại Tịnh Thất. Do đó, việc các đối tượng ở Tịnh Thất Bồng Lai lấy danh nghĩa trẻ mồ côi, lang thang, đối tượng bảo trợ xã hội là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ông Nam thông tin, theo báo cáo của sở LĐ-TB&XH Long An gửi cho cục Trẻ em, nhóm trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai đều có giấy khai sinh, các em được mẹ đứng tên chăm sóc, có nơi ăn chốn ở tại Tịnh Thất Bồng Lai. Nơi đây cũng không được coi là cơ sở bảo trợ xã hội, nhà chùa mà họ chỉ nhân danh.
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, theo kết quả giám định của cơ quan chức năng Long An mới đây cho thấy, hàng loạt đứa trẻ (trẻ nhỏ nhất sinh năm 2018) có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay phải làm rõ, có hay không dấu hiệu xâm hại tình dục, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em vị thành niên?.
Về vấn đề bảo đảm quyền hợp pháp, danh tính, thân nhân của nhóm trẻ em, trong đó có nhiều em nhỏ, ông Nam cho biết: Trẻ em vẫn có quyền được hưởng các quyền lợi bình thường, được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo vệ danh tính, nhân thân. Bố mẹ, người khác vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Tuy nhiên, hiện trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông đưa quá chi tiết về tên, tuổi của các bé; tên tuổi mẹ ruột của các em bé tại Tịnh thất Bồng Lai như vậy vi phạm điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập phải tăng cường ở nhiều góc độ: Phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và các cơ sở bảo trợ xã hội nói chung. Thường xuyên rà soát xem đối tượng chăm sóc này có đúng đối tượng hay không. Bài học từ vụ Tịnh thất Bồng Lai còn là việc phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc vận động, sử dụng nguồn tiền từ thiện cho cơ sở này, bao gồm tiền, hàng hóa, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em...
Theo Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Thông tin bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.