Vụ tuồn hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài: Truy tố 13 bị can

Trong 3 năm, Nguyệt và đồng phạm đã cấu kết nhân viên ngân hàng dùng thủ đoạn mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất để vận chuyển tiền trái phép hơn 30.000 tỷ đồng qua biên giới.

Viện KSND TP.Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 13 bị can về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”. Các bị can này bị cáo buộc đã chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Đây là vụ án từng gây xôn xao hồi tháng 9/2020.

vu tuon hon 30000 ty ra nuoc ngoai truy to 13 bi can dspl

Tổng số tiền cá đối tượng chuyển trái phép ra nước ngoài là hơn 30.498 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo hồ sơ bản cáo trạng, năm 2016, Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ XNK Đại Phát và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh thương mại và XNK Đại Phát) để hợp thức hoá pháp nhân rồi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Sau đó, Thuật và Nguyệt thỏa thuận, giá từ 30-40 triệu đồng/bộ hồ sơ tạm nhập, tái xuất để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Sau đó, Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu dấu, chữ ký giám đốc công ty để hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa là IC điều khiển, rồi làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để tái xuất sang Trung Quốc và chuyển lại cho Thuật.

Sau đó, Thuật mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa của Công ty Đầu tư kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Đại Phát với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là hơn 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD.

Người này sử dụng pháp nhân của 2 công ty cùng tên Đại Phát và Công ty TNHH xuất nhập khẩu BDA (trụ sở tại Hải Phòng) để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng.

Cáo buộc cho rằng, ngoài bán hồ sơ của 2 công ty Đại Phát cho Nguyệt, Thuật còn sử dụng pháp nhân Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch XNK BDA do Thuật thành lập (nhờ người đứng tên) để hợp thức hợp đồng tạm nhập, tái xuất là IC điện tử làm hồ sơ thanh toán quốc tế, nhằm chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.

Trong các phi vụ, Thuật là người chịu trách nhiệm làm thủ tục tái xuất hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Mỗi lượt làm thủ tục, Thuật khai được hưởng lợi 10 triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định, bằng thủ đoạn và thông qua các công ty trên, Thuật và Nguyệt đã chuyển hơn 3.875 tỷ đồng ra nước ngoài và hưởng lợi 152 triệu đồng.

Sau khi biết được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, năm 2017, bị can bàn với chồng là Phạm Anh Tuấn (38 tuổi, bộ đội phục viên) kế hoạch “làm ăn lớn”.

Nguyệt bàn với chồng lập 8 công ty nhằm sử dụng pháp nhân của các công ty này lập hồ sơ tạm nhập tái xuất khống để chuyển tiền ra nước ngoài.

Các đối tượng sử dụng các pháp nhân được thành lập ký hợp đồng kinh tế khống mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore, rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan.

Từ đó, các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, hưởng lợi 0,1% tổng số tiền trên mỗi giao dịch chuyển tiền.

Theo cáo trạng, Tuấn đồng phạm với Nguyệt vận chuyển hơn 6.788 tỷ đồng và hưởng lợi hơn 6,7 tỷ đồng. Để có hàng hóa hợp thức các hợp đồng kinh tế mua hàng hóa tạm nhập, tái xuất, Nguyệt chỉ đạo em ruột là Nguyễn Văn Thắng mua các linh kiện điện tử (IC) từ Trung Quốc. Thắng bị xác định là đồng phạm với Nguyệt vận chuyển hơn 30.498 tỷ đồng ra nước ngoài, hưởng lợi 410 triệu đồng.

Tổng số tiền Nguyệt chuyển trái phép ra nước ngoài là hơn 30.498 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.

Bạch Hiền (t/h)