Ngày 3/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa Covid-19 Covaxin – loại vaccine do công ty dược Bharat Biotech có trụ sở tại thành phố Hyderabad, bang Telangana (Ấn Độ) nghiên cứu phát triển.
Được biết, Hội đồng chuyên môn của WHO trước đó đã họp để đánh giá các dữ liệu bổ sung mà nhà sản xuất Covaxin mới gửi tới. Cuộc họp nhằm đánh giá những rủi ro và lợi ích nếu cấp phép sử dụng vaccine này ở quy mô toàn cầu.
Việc phê duyệt giấy phép được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Cấp phép Sử dụng Khẩn cấp của WHO.
Nhóm Cố vấn kỹ thuật của WHO cho biết Covaxin mang lại lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro. Chế phẩm này cũng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của WHO về khả năng ngăn ngừa Covid-19.
Nhóm chuyên gia của WHO khuyến nghị Covaxin được sử dụng 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần. Loại vaccine này phù hợp cho mọi nhóm đối tượng trên 18 tuổi.
Trong khi đó, nhà sản xuất cho biết vaccine Covaxin đã chứng minh hiệu quả đến 77,8% chống lại các triệu chứng của Covid-19, 65,2% chống lại biến chủng Delta. Theo Bharat Biotech, hiện đã kết thúc giai đoạn đánh giá cuối cùng về hiệu quả bảo vệ của Covaxin trong đợt thử nghiệm lâm sàng thứ 3.
Quyết định của WHO có thể thúc đẩy Ấn Độ cam kết chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 theo cơ chế chia sẻ toàn cầu COVAX, bên cạnh đó nâng cao khả năng tiếp cận vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Covaxin của Bharat Biotech là loại vaccine ngừa Covid-19 thứ 7 được WHO công nhận. Khi Covaxin được vào danh sách EUL, Brahat Biotech có thể làm theo hướng dẫn quản lý của WHO và phân phối Covaxin tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước đó, WHO cấp phép khẩn cấp cho hai loại vaccine mRNA do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất, hai loại vaccine ứng dụng phương pháp vector do AstraZeneca và Johnson & Johnson phát triển, và hai loại vaccine bất hoạt của Sinovac Biotech và Sinopharm (Trung Quốc).
Đinh Kim (T/h) - Người Đưa Tin