Xuất khẩu gạo tăng, Gạo Trung An kinh doanh ra sao?

Trước bối cảnh thị trường gạo nhiều rộng mở, Gạo Trung An kinh doanh không mấy khả quan với một phần lý do đến từ chi phí lãi vay tăng cao.

Biến động thượng tầng, kinh doanh kém khả quan

Mới đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) vừa công bố thông tin liên quan đến việc nhận được đơn từ nhiệm của hai nhân sự chủ chốt là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty. Thông tin trên được đưa ra trước bối cảnh kinh doanh kém khả quan với số lỗ hiếm hoi trong lịch sử kinh doanh của Trung An.

Nhìn lại bức tranh tài chính 5 năm gần đây của Gạo Trung An, doanh thu của công ty có sự cải thiện qua từng năm trong giai đoạn từ 2019-2022, tăng từ 1.837 tỷ đồng vào năm 2019 lên 3.798 tỷ đồng vào năm 2022.

Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại có sự tăng giảm thất thường. Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận 96,7 tỷ đồng vào năm 2021, lợi nhuận của công ty khi bước sang năm 2022 chỉ còn 75 tỷ đồng, tương đương giảm 22% so với năm trước đó.

Kết thúc quý II/2023, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh cùng chi phí hoạt động, lãi vay tăng khiến công ty lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.

Giải trình về việc này, gạo Trung An cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần gạo Trung An đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, giảm mạnh từ mức 51 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả trên chỉ giúp Gạo Trung An thực hiện được hơn 1% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra trước đó.

Trong năm nay, Gạo Trung An đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện trong năm 2022, và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với mức thực hiện năm ngoái. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp gạo này đã hoàn thành 66% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ mới thực hiện được 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Bức tranh kinh doanh kém tích cực của Gạo Trung An diễn ra trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2023 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị 326 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023 đạt 4,84 triệu tấn và 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về khối lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An. Đặc biệt, doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ sang các thị trường phát triển như EU, Hàn Quốc, Australia.

Xuất khẩu “bùng nổ" với nhiều cơ hội

Thời gian vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã đột ngột cấm xuất khẩu gạo tẻ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Với vị thế chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, động thái này của Ấn Độ đã tạo ra một cú “sốc cung” cho thị trường lương thực thế giới.

Thực tế, từ 20/7 trở lại đây, giá gạo trên thị trường thế giới biến động mạnh, lên mức cao nhất trong 15 năm qua.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với trước thời điểm 20/7, gạo 5% tấm và 25% tấm tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có.

Trong báo cáo mới công bố của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), công ty này nhận định, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng thắt chặt nguồn cung lúa gạo, đặc biệt từ hai quốc gia là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam là Philippines và Trung Quốc.

Cụ thể, Philippines dự kiến sẽ gia tăng lượng nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong năm và bù đắp lượng thâm hụt trong kho dự trữ. Trong 2023, nước này sẽ nâng hạn ngạch nhập khẩu cho Cơ quan Lương thực Quốc gia lên mức 2 triệu tấn. Vào đầu tháng 6, trữ lượng tại cơ quan này chỉ đạt khoảng 560.000 tấn. Trong phần còn lại của năm 2023 và sang năm 2024, TPS dự kiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng.

Tại Trung Quốc, mặc dù nước này dự kiến sẽ giảm sản lượng nhập khẩu khoảng 22% so với 2022 xuống còn 4,8 triệu tấn, nhưng vẫn duy trì vị thế là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là đơn vị nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng 677.400 tấn và chiếm trên 16% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

TPS đánh giá triển vọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là tương đối khởi sắc trở lại khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch Covid.

Bên cạnh những thị trường lớn truyền thống, gạo Việt cũng đang đứng trước cơ hội mở rộng tại các thị trường tiềm năng khác.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn từ nhiệm của 2 lãnh đạo chủ chốt. Cụ thể, bà Lê Thị Tuyết đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Thái Bình từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc. Lý do từ nhiệm được cả 2 người đưa ra là để cơ cấu lại nhân sự công ty.

Bà Tuyết và ông Bình là vợ chồng, cả 2 được bầu lại vào HĐQT TAR nhiệm kỳ 2023-2028 trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra tháng 6 vừa qua. 

Hiện tại, ông Bình đang sở hữu 11 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng với tỉ lệ 14% vốn. Ngoài vai trò Tổng Giám đốc, ông Bình đang đồng thời giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT công ty.

PV