3 nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu, 1 trường hợp tăng cao sau 1/7

Tăng lương hưu là vấn đề đang được nhiều người quan tâm nhất thời điểm hiện tại. Dưới đây là những trường hợp thuộc diện cải cách lương hưu sau ngày 1/7/2024.

Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 104/2023/QH15 về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024. Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 03 nhóm đối tượng với nội dung điều chỉnh lương hưu cụ thể như sau:

- Những người nghỉ hưu thông thường: Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024...

- Những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024: Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

- Những người nghỉ hưu trước năm 1995: Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa. Với nhóm này, Bộ trưởng sẽ đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt. Sau 1/7/2024, nhóm đối tượng này sẽ được tăng lương hưu cao lên đến 15%. 

luong-huu1-1713349074.jpg
3 nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu trong đó 1 trường hợp được tăng rất cao. Ảnh minh họa

Chi tiết cách tính lương hưu năm 2024 khi đóng đủ 25 năm BHXH 

Theo đó, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.

Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương, hoặc thu nhập đóng hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.

Điểm b,c khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và điểm b,c khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP đều hướng dẫn về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động.

Theo đó, đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 25 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 65% tiền lương tháng đóng BHXH.

Còn đối với lao động nam, từ năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, lao động nam nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 25 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 55% tiền lương tháng đóng BHXH.

Xem thêm: Chi tiết 9 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú năm 2024, người dân cần biết

Minh Khuê (t/h)