Ấm lòng giữa mùa dịch: Chủ nhà trọ giảm tiền phòng, hỗ trợ thực phẩm cho lao động nghèo

Dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân khó khăn đủ đường, nhiều chủ nhà đã miễn, giảm tiền thuê nhà, đồng thời hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, mất việc, không thể về quê được.

Theo tạp chí Tri thức trực tuyến, chị Cước - chủ của 2 dãy phòng trọ trên đường Bế Văn Đàn (Thuận An, Bình Dương) tâm sự: "Người thuê nhà tôi phần nhiều là công nhân lao động, buôn bán nhỏ lẻ... vì dịch bệnh họ không có việc làm nên tôi quyết định giảm 100% tiền thuê trọ. Lúc này giúp được mọi người chút nào hay chút đó".

Khu trọ nhà chị Cước hiện có 14 phòng với mức giá trong khoảng 2,2 - 4 triệu đồng/tháng. Chị hy vọng số tiền giảm này có thể bớt gánh nặng, động viên tinh thần giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.

“Không có việc làm nhưng họ vẫn phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt, con cái nên khổ lắm. Bây giờ mình chỉ ngồi yên một chỗ, đóng góp được việc gì hay việc đó”, chị Cước nói.

97a8449844daad84f4cb-1629943907.jpg

Vì tình hình dịch bệnh, nhiều chủ nhà trọ đã đồng loạt giảm tiền thuê phòng chia sẻ khó khăn với người lao động.

"Có những người khó khăn, tôi cho nợ tiền phòng cả năm không đòi. Cũng có lần người ta nợ nhiều tháng rồi dọn đồ đi mất hút, nhưng biết sao được, có khi người ta khó quá”, bà khẳng định.

Ông Lương Quốc (57 tuổi), chủ 2 dãy trọ tại quận Tân Bình (TP.HCM), cũng quyết định giảm 30% tiền phòng hỗ trợ mọi người. "Dịch bệnh, mọi người ai cũng khó khăn nên tôi giảm tiền phòng, công nhân thuê trọ ai nấy đều vui vẻ, cảm kích", ông nói.

Hiện nay, mỗi tháng người đàn ông này đều phải trả lãi suất vay xây nhà trọ cho ngân hàng. "Không phải chủ nhà trọ không hiểu tình hình khó khăn do dịch bệnh, nhưng nếu giảm giá thuê thì chủ nhà trọ cũng khó khăn. Tùy hoàn cảnh, tùy lòng hảo tâm của mỗi người mà giảm nhiều hay ít", ông tâm sự.

Cũng có dãy nhà trọ 10 phòng ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), bà Lai cho biết, khách thuê của bà không phải là công nhân, mà chủ yếu là nhân viên làm trong ngành dịch vụ ở các nhà hàng, quán cafe.

"Bình Dương đã trải qua 2 đợt dịch. Ngành kinh doanh ăn uống vì thế cũng điêu đứng. Nhiều khách thuê ở đây tháng làm tháng nghỉ, nhưng cũng vẫn cố cầm cự. Tôi đã 2 lần giảm tiền trọ xuống 50%, nhưng nhiều người khó khăn quá nên còn nợ tiền phòng. Tôi tính nếu tình hình dịch bệnh ở Bình Dương tiếp tục phức tạp, tháng sau sẽ miễn giảm tiền phòng một tháng", bà Lai nói và cho biết cá nhân bà cũng gặp khó khăn vì hiện còn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng tiền đầu tư dãy nhà trọ này.

"Trước dịch, mỗi tháng doanh thu tiền phòng 18 triệu, nhưng tiền lãi và gốc trả ngân hàng đã 12 triệu đồng. Với tình hình này, tôi sợ không đủ tiền để trả lãi nữa", chủ nhà trọ này nói.

Báo VOV thông tin, tại khu nhà trọ của bà Vũ Thị Như ở số nhà 16 đường Phan Văn Định, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng có nhiều công nhân lao động đang thuê ở. Bà Như có dãy nhà trọ gồm 53 phòng cho hơn 100 người thuê trọ. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 hiện chỉ còn 80 người thuê ở, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh.

Bà Như cho biết, bà đã giảm từ 1/3 đến một nửa số tiền thuê phòng hàng tháng cho những người đang thuê trọ; những trường hợp quá khó khăn bà không lấy tiền. Từ đợt dịch năm ngoái đến nay, bà Vũ Thị Như đã giảm tiền trọ cho người thuê tổng cộng là 57 triệu đồng.

8e1751c23480ddde8491-1629944286.jpg

Không những miễn tiền nhà trọ hàng tháng, bà Như còn hỗ trợ lương thực, gạo ăn cho người lao động hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày qua, bà Như hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho tất cả lao động đang thuê phòng trọ: “Thấy anh em công nhân việc thì không có cứ ở nhà vẫn phải chi tiêu, còn có 7 người cách ly tại phòng, tôi thấy cũng nên hỗ trợ cho họ. Một chút tình người để gỡ bớt khó khăn cho công nhân”.

Theo báo Chính Phủ, bà Nguyễn Thị Châm, chủ nhà trọ tại ngõ 123 đường Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội đã chủ động giảm giá thuê cho người thuê trọ.

Bà Châm chia sẻ, người đi thuê nhà trọ đều rất khó khăn khi họ phải lo cái ăn, cái mặc hằng ngày, rồi phải lo chạy vạy để đóng tiền trọ hằng tháng. Khi dịch bệnh bùng phát, cuộc sống của họ càng khó khăn trăm bề.

“Chính vì vậy mà các phòng trọ của nhà tôi, người thuê đều được giảm từ 200.000 đến 500.000 đồng mỗi tháng, tùy các đối tượng và thời điểm bùng phát dịch…”, bà Châm nói.

Ông Nguyễn Văn Đức, tổ dân phố Xuân Lộc 1, phường Xuân Đỉnh, Hà Nội cho hay, gia đình ông có 20 phòng trọ, với 55 nhân khẩu, biết nhiều người lao động không có việc làm trong đợt dịch Covid-19 này, ông đã rà soát, miễn tiền thuê trọ cho 3 phòng với tổng giá trị là 8 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông cũng giảm giá cho 17 phòng trọ còn lại mỗi phòng từ 1-2 triệu, hỗ trợ người thuê nhà gạo, lương thực, tiền… với tổng hỗ trợ ước tính khoảng 60 triệu đồng.

“Dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của nhiều người dân khó khăn, đây là thời điểm mà chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau cùng đi qua đại dịch. Mỗi chúng ta chấp nhận chia sẻ một phần thì nhiều người có hoàn cảnh khó khăn sẽ bớt đi được vài phần gánh nặng trong cuộc sống”, ông Đức chia sẻ thêm.

Không chỉ bà Châm, ông Đức mà nhiều chủ nhà trọ khác cũng giảm giá thuê cho người thuê trọ. Đặc biệt có ông Nguyễn Văn Cường (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) giảm 100% tiền thuê trọ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Cường chia sẻ: “Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người thuê trọ. Tôi nghĩ rằng đây là việc cần làm nhằm chia sẻ với công nhân lao động trong lúc khó khăn, giúp người ở trọ an tâm vượt qua giai đoạn này”.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc "4 tại chỗ" theo chỉ đạo của UBND Thành phố; linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do COVID-19 không có nơi cư trú.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; đồng thời phân công lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại các điểm tạm trú.