Ăn loại củ quen thuộc, 11 người có dấu hiệu tê lưỡi nhập viện gấp

Ngay khi bữa ăn đang diễn ra, 11 người có các triệu chứng ngộ độc như tê lưỡi, choáng váng, buồn nôn...

Theo Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), vào chiều 18/12, tại thôn Thôm Mèo, xã Xuân La đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn lẩu có củ ấu tẩu.

Cụ thể, bữa ăn gồm: rau xanh, thịt lợn, mì tôm, trứng gà, khoảng 300g củ ô đầu (còn gọi là củ ấu tẩu) tươi cho vào nồi lẩu và rượu trắng.

Theo báo Nhân Dân, sau khi ăn khoảng 5-10 phút, một số người thấy hiện tượng tê đầu lưỡi và buồn nôn, nôn nên đã dừng ăn. Tuy nhiên, vẫn còn 4 người tiếp tục ăn mì tôm và rau xanh trong nồi.

Đến khi cũng có triệu chứng tê lưỡi, buồn nôn... và thấy những người bị trước chuyển biến nặng hơn thì tất cả mới dừng ăn.

Có 7 người bị ngộ độc nặng được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cấp cứu; 4 người triệu chứng nhẹ hơn tự theo dõi tại nhà.

Đời sống - Ăn loại củ quen thuộc, 11 người có dấu hiệu tê lưỡi nhập viện gấp

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm điều trị cho một trong số các nạn nhân bị ngộ độc. Ảnh: báo VOV.

Theo Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, nguyên nhân ngộ độc là do thức ăn trong nồi lẩu có củ ấu tẩu.

Đến trưa 19/12, tất cả các trường hợp vào viện đã ổn định; 6 người đã được xuất viện; đến đầu giờ chiều còn 1 bệnh nhân phải ở lại để tiếp tục theo dõi.

Ngộ độc thực phẩm do sử dụng nguyên liệu là các loại lá cây, củ rừng, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn thường xảy ra ở Bắc Kạn.

Mới nhất, vào ngày 17/10, tại thành phố Bắc Kạn đã có 5 người bị ngộ độc do rượu có hàm lượng Methanol cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Từ năm 2018 tới nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra hơn 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 209 người mắc, trong đó có 3 người tử vong. Chiếm phần lớn trong số này là các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên từ lá ngón, nấm độc.

Hiện Cơ quan chức năng đã phối hợp cùng y tế và chính quyền địa phương lấy mẫu thực phẩm để xác định nguyên nhân vụ việc. Về phía các nạn nhân, thông tin từ trung tâm y tế huyện Pác Nặm cho hay do được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của cả 11 người ngộ độc đã ổn định.

Vì sao ăn củ ấu tàu lại ngộ độc?

Trao đổi với báo Thanh Niên Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược Tp.HCM, cho biết củ ấu tàu chính là vị thuốc ô đầu và phụ tử, có nguồn gốc từ rễ của cây ô đầu (Aconitum spp.).

Trong đó, củ cái của cây được gọi là ô đầu, thường không chế biến và chủ yếu dùng ngoài làm thuốc xoa bóp giảm đau. Còn củ con có tên là phụ tử, có thể dùng đường uống nhưng phải qua chế biến nghiêm ngặt theo các quy trình được quy định bởi Bộ Y tế để giảm bớt độc tính.

"Theo tài liệu cổ, ô đầu, phụ tử đều có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, có độc. Ô đầu chỉ được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức, mỏi chân tay. Trường hợp đặc biệt, hiếm lắm thầy thuốc mới có người dùng cho uống để chữa bán thân bất toại, chân tay co quắp, mụn nhọt vỡ lâu không liền miệng. Trong khi đó phụ tử có tác dụng hồi dương, khử phong hàn, dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp, mạch gần như không có, ra nhiều mồ hôi (thoát dương) chân tay tê mỏi", tiến sĩ Triết chia sẻ.

Đặc biệt, thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin và các alkaloid, chúng rất dễ bị hấp thụ khi nuốt phải cũng như được hấp thụ qua đường tiếp xúc với da và các màng nhầy. Hiệu ứng của aconitin dựa trên sự gia tăng độ thẩm thấu của các ion natri qua các màng ngăn, làm chậm lại quá trình tái phân cực. Nó có tác động tới hệ thần kinh ngoại biên cũng như trung tâm. Ở liều thấp gây ra các tác động kích thích, ở liều cao hơn một chút thì tạo cảm giác nóng bỏng, gây nôn mửa, chóng mặt còn, ở liều cao hơn nữa thì gây tê liệt và dẫn tới tử vong do trụy tim.

Do đó, củ ấu tàu là vị thuốc cực kỳ độc và được đưa vào danh mục dược liệu độc của Bộ Y tế. Khi sử dụng đường uống, chỉ sử dụng phụ tử đã qua quá trình chế biến theo các hướng dẫn của Dược điển Việt Nam và Bộ Y tế nhằm làm giảm hàm lượng của aconitin và các alkaloid có liên quan xuống mức có thể chấp nhận, lúc đó mới sử dụng được trong điều trị.

Để phòng tránh ngộ độc nên nạn chế tối đa việc sử dụng củ ấu tàu làm thức ăn (người dân thường xem như một vị thuốc bổ đắng), chỉ trừ những gia đình đã có kinh nghiệm lâu đời trong việc chế biến, ví dụ món cháo củ ấu tàu ở Tây Bắc và khi làm thuốc tuyệt đối phải theo chỉ định của chuyên gia.

Trúc Chi (t/h)