Án Nước ngoài - Luật Việt Nam: Bí mật trong căn biệt thự chỉ sáng đèn lúc nửa đêm

Những biểu hiện bất thường của chủ nhân căn biệt thự 4 tầng luôn đóng kín cửa, chỉ sáng đèn ban đêm tại ngôi làng hẻo lánh đã lọt vào “tầm ngắm” của cảnh sát.

Án Nước ngoài:

Bị lộ vì xây nhà “nổi bần bật” giữa quê nghèo

Ngôi làng hẻo lánh thuộc Vân Nam, Trung Quốc là nơi sinh sống của 42 hộ gia đình với khoảng 500 người, hầu hết là người già và trẻ nhỏ. Do vùng đất này quá cằn cỗi nên đa số mọi người ở đây đã bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Các cụ già ở lại kiếm sống bằng nghề làm ruộng hoặc lên núi kiếm củi bán lấy tiền.

Khi khắp nơi đều là những căn nhà 1 tầng, việc xuất hiện căn biệt thự 4 nổi bật trở thành chủ đề bàn tán của người dân nơi đây. Theo lời kể của người dân địa phương, năm 2017, một cặp vợ chồng đến làng mua mảnh đất rộng sau đó xây dựng căn biệt thự 4 tầng và trang trại nuôi bò.

Thực tế, việc một người từ nơi khác đến làng mua đất, xây nhà là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chủ nhân của căn nhà này lại có một số biểu hiện khá khó hiểu nên thu hút sự tò mò của người địa phương.

Hàng xóm xung quanh cho biết dẫu gia đình này chuyển về đây ở đã được gần 3 năm tuy nhiên họ hoàn toàn không biết chủ nhà là ai. Ban ngày, căn biệt thự này được đóng kín cửa dường như không có ai ở. Song ban đêm, nhiều người lại tấp nập ra vào. Đặc biệt những chiếc xe tải chở hàng tập kết rất nhiều về đây. Thấy gia đình này nuôi bò, nhiều người đoán rằng họ buôn bán gia súc hoặc nhập thức ăn về chăn nuôi.

Sự bí ẩn này cũng thu hút sự chú ý của cảnh sát địa phương. Sau một thời gian theo dõi, cảnh sát biết được chủ nhân của căn hộ này là vợ chồng Đường An Kỳ. Cả hai từng bị phạt tù 15 năm vì tội Buôn lậu. Kể từ khi ra tù, 2 người này chưa từng làm việc ở đâu.

Câu hỏi đặt ra là những người này lấy tiền ở đâu để giàu có một cách nhanh chóng như vậy. Để tìm được câu trả lời, cảnh sát đã tăng cường lực lượng, theo dõi sát sao hành động của chủ nhân căn nhà. Quả nhiên, chủ nhà chỉ xuất hiện vào ban đêm. Những đoàn xe tải đến và đi một cách nhanh chóng. Họ thường chuyển những bao hàng từ các container to sang các xe nhỏ hơn. Từ đây, các xe ô tô nhỏ sẽ di chuyển vào trong thành phố.

Trong quá trình kiểm tra, nhà chức trách phát hiện một số mẫu thịt bò đông lạnh không có giấy chứng nhận tại một phiên chợ thuộc Vân Nam. Lần theo dấu vết, họ phát hiện cặp vợ chồng trong căn biệt thự trên đã cung cấp số thịt đó.

Cảnh sát địa phương đã bắt và thu giữ toàn bộ số thịt bò nhập lậu tại nơi ở của vợ chồng Đường An Kỳ. Khai với cảnh sát, 2 người này thừa nhận bắt đầu buôn lậu thịt bò và các thành phần nội tạng, móng bò có nguồn gốc từ nước ngoài kể từ sau khi ra tù. Tiếp tục khai thác, cảnh sát phát hiện vợ chồng Đường An Kỳ chỉ là nhà phân phối cỡ nhỏ trong cả một đường dây buôn lậu lên đến 50 đối tượng.

Tính đến thời điểm bị bắt, vợ chồng Đường An Kỳ đã bán và thu lợi bất chính khoảng 29 triệu NDT (khoảng 101 tỷ đồng). Ngoài cặp vợ chồng này, một số tiểu thương ở các khu chợ cũng bị truy tố tội Bán thực phẩm không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Pháp luật - Án Nước ngoài - Luật Việt Nam: Bí mật trong căn biệt thự chỉ sáng đèn lúc nửa đêm

Khu vực các đối tượng chuyên chở hàng lậu

Luật Việt Nam:

Buôn thịt "lậu" sẽ bị xử lý nghiêm

Chiếu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật.

Từ lâu câu chuyện về an toàn thực phẩm của các lô hàng thịt nhập lậu đã gây ám ảnh không ít tới người tiêu dùng. Không chỉ heo, mà bò, gà và cả những thực phẩm khác đều có thể là sản phẩm được nhập lậu về hàng loạt.

Thịt “lậu” ồ ạt tràn về gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Do khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với thịt “lậu”, nên loại hàng này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra việc buôn lậu thịt có nguy cơ gây ra các vấn đề như mất an ninh xã hội, ô nhiễm môi trường, gây ngộ độc, thậm chí có thể gây chết người... Do đó đây là hành vi đáng lên án và cần bị nghiêm trị.

Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu rõ mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu trị giá dưới 3.000.000 đồng; Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, mức cao nhất có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định nêu trên trong các trường hợp: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Các mức phạt tiền trên cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu; Hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu; Hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm có thể còn bị phạt bổ sung như tịch thu tang vật; tịch thu phương tiện vận tải vi phạm…

Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định trên.

Trong vụ án trên, hành vi của cặp vợ chồng Đường An Kỳ có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội Buôn lậu.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Tính đến thời điểm bị bắt, vợ chồng Đường An Kỳ đã bán và thu lợi bất chính khoảng 29 triệu NDT (khoảng 101 tỷ đồng). Do số hàng nhập lậu và thu lợi bất chính cực lớn nên cặp vợ chồng này sẽ bị xử lý theo khoản 4 Điều 188 (Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên) và phải đối diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Ánh Dương (thực hiện)