Bao dung với người đầu ấp tay gối với mình đâu có bao giờ là thiệt?

Vợ chồng xét cho cùng hiểu để thương và thương nhiều hơn để hiểu. Muốn hiểu chồng, hiểu vợ thì phải thương họ, xót họ.

Nhiều người vợ, người chồng nói chuyện với người ngoài thì lớp lang bài bản, có trước có sau, cân nhắc từng câu từng chữ. Nhưng với chồng mình, vợ mình, thì toàn bạ đâu nói đấy. Giận lên là huỵch toẹt. Dỗi phát là phán quyết lẫn nhau. Khiến cho những cuộc đối thoại của 2 vợ chồng thành kẻ thắng người thua. Mà hôn nhân í, hơn thua là thất bát. Tôi nghĩ mãi về cái câu “tương kính như tân” mà thấy rằng đó là một trong những điều hôn nhân khó làm được. Nhiều người vợ tổn thương vì chồng chỉ trích, nặng lời với mình. Nhiều người chồng thở dài vì vợ mình ăn nói như dao cứa lòng nhau. Người xuề xòa có thể bỏ qua nhưng người nhạy cảm thì tổn thương sâu sắc.

Chúng ta, trong đó có cả tôi, luôn có tâm lý ăn miếng trả miếng. Luôn dùng dao đối sắc, dùng đường đối ngọt. Đôi khi chính mình cũng bị cuốn đi theo những cuộc đáp trả thay vì đáp đền. Người ngoài thì cùng lắm là mất đi mối quan hệ. Nhưng với vợ chồng, mối quan hệ có thể không mất nhưng sẽ bị bào mòn ghê gớm. Chỉ là chúng ta không nhận ra sự hao khuyết sau mỗi cuộc hơn thua ấy mà thôi. Vợ chồng cứ thế mà dần mất đi cân bằng đầy. Cho đến lúc cán cân nghiêng ngả.

Vợ chồng xét cho cùng hiểu để thương và thương nhiều hơn để hiểu. Muốn hiểu chồng, hiểu vợ thì phải thương họ, xót họ. Và muốn thương họ, xót họ thì phải đặt mình vào họ, thương chồng như thương mình, thương vợ như thương thân thì sẽ hiểu họ. Một bên thương để bên nọ hiểu, đi bằng 2 chân như thế mới đi xa hơn được. Đừng nghĩ mình là nạn nhân nữa và cũng đừng đáp trả. Hãy đáp đền với nhau, cùng về một phe với nhau. Đừng ta- địch. Bao dung với người đầu ấp tay gối với mình đâu có bao giờ là thiệt thòi, phỏng ạ?

Nhà văn Hoàng Anh Tú