Sẽ có lúc nhiều bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với trường hợp bé có thể nói "không" với hầu như tất cả mọi thứ bố mẹ yêu cầu. Khi đó, nếu bố mẹ phản ứng mà không suy nghĩ thì chỉ khiến thái độ của con càng thêm tiêu cực. Vậy phải làm gì trong hoàn cảnh này?
Kiên nhẫn lắng nghe và đừng tranh luận với trẻ
Khi thấy trẻ bướng bỉnh, không chịu nghe lời thì bố mẹ không nên vội vàng cáu giận hoặc ngay lập tức tranh luận, đánh mắng con bởi như vậy chỉ khiến tình hình tệ thêm mà thôi. Tốt nhất, khi ấy, mẹ nên chịu khó lắng nghe và có cuộc nói chuyện nhẹ nhàng với con.
Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ hãy cố gắng quan sát và tìm ra nguyên nhân nào khiến trẻ khó chịu, sau đó mẹ hãy từ từ làm dịu sự bướng bỉnh của con. Nên nhớ, kiên nhẫn là chìa khóa tốt nhất để kiểm soát tình hình.
Phớt lờ những đòi hỏi không thỏa đáng của trẻ
Đôi khi chính việc cha mẹ luôn đáp ứng mọi yêu của con lại khiến chings trở nên bướng bỉnh, khó bảo hơn. Càng tệ hơn khi việc này trở thành thói quen, nếu không đòi hỏi được trẻ sẽ tức giận và la hét.
Bởi thế, phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con cũng là một cách hay để trị dứt điểm sự bướng bỉnh, cứng đầu của con.
Đừng cố ép trẻ làm điều gì đó
Trẻ nhỏ cũng có sở thức và nhu cầu riêng vì thế bố mẹ đừng cố ép con làm những điều mà chúng không muốn. Ví như, con đang ngồi xem tivi rất vui vẻ nhưng đã quá giờ đi ngủ. Khi ấy, nếu mẹ quát mắng, bắt đi ngủ thì ngay lập tức bé sẽ có thái độ vùng vằng, khó chịu. Thay vào đó, mẹ nên ngồi lại và cùng thưởng thức chương trình đó với con một lúc, sau đó nhẹ nhàng khuyên bảo bé đi ngủ.
Thưởng, phạt đúng cách
Khi thấy trẻ biết sửa chữa lỗi lầm, bố mẹ nên thường cho bé những lời khen, hành động yêu quý hoặc một món quà nhỏ. Điều này giúp bé thích thú và sẽ tiếp tục ngoan ngoãn, làm việc tốt. Vì tâm lý ai cũng thích được khen thưởng.
Đồng thời, bố mẹ cũng nên cho trẻ hiểu được hậu quả của việc không nghe lời và để cho trẻ biết rằng đây là hình phạt mà trẻ phải nhận khi đã làm sai nhưng không biết sửa lỗi.