Bộ GD-ĐT kiến nghị tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho học sinh

Tại Hội nghị toàn quốc về Tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới, bộ GD&ĐT và lãnh đạo nhiều địa phương đã đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh phòng chống dịch Covid-19.

Báo Tiền Phong thông tin, tại Hội nghị, Thứ trưởng bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chuyển đổi trạng thái hoạt động linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Các trường học chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt kết hợp dạy học trực tuyến và trực tuyến, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đề xuất Thủ tướng cho phép tiêm vắc xin cho học sinh để chủ động kế hoạch dạy học.

da-nang-xet-nghiem-2020-1630137166.jpg
Học sinh Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: TTXVN

Đồng tình với ý kiến đề xuất này của bộ GD-ĐT, đại diện tỉnh Gia Lai cũng đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh, nhằm đảm bảo an toàn khi đến trường.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, năm học qua, tại địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, năm nay lại chịu tác động của Covid-19 học sinh hiện đang phải dừng tới trường. Địa phương kiến nghị bộ GD-ĐT có đề xuất để có chương trình vắc xin trường học, trước mắt có thể ưu tiên cho học sinh THPT.

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng nói, hiện nay 91% giáo viên đã tiêm mũi 1, trong số đó có nhiều người đã được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, học sinh hiện nay chưa được tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học. Quan điểm của địa phương, học sinh phải được an toàn mới đến trường, đến trường phải an toàn do đó cần phải tính toán để có chính sách vắc xin cho học sinh từ 12- 18 tuổi. Ngoài ra, bà Thanh cũng kiến nghị, bộ GD-ĐT phối hợp bộ Lao động Thương Binh và xã hội có gói an sinh, hỗ trợ học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Bởi trong dịch bệnh, học sinh cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau dịch bệnh, sẽ có nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Thanh nói.

TTXVN thông tin thêm,  tại Hội nghị, bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022; xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học. Trong đó, trước mắt là tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.

Trước thực trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo bộ GD-ĐT, chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục trong năm học 2020-2021 chỉ đạt 17,3%.

Hải Đăng (T/h)