Bộ GD&ĐT: Sẽ công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT trước 10/5

Chiều 28/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ công bố đề thi tham khảo đề thi tốt nghiệp THPT trước ngày 10/5 để học sinh yên tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng quy chế chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dự kiến ban hành quy chế thi trước ngày 15/5.

Đối với đề thi tham khảo đề thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ công bố trước ngày 10/5 để học sinh yên tâm.

“Đề tham khảo vẫn bảo đảm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn có sự phân hóa để các trường Đại học dựa trên cơ sở đó có thể xét, tuyển sinh. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo xây dựng quy chế tuyển sinh đại học. Quy chế thi tốt nghiệp sẽ hành hành trước ngày 15/5" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết thêm, đến ngày 28/4 đã có 38 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại. Hiện, đã có 60 tỉnh, thành phố sẵn sàng đón học sinh đến trường vào ngày 4/5, còn lại 3 tỉnh, thành phố chiều nay sẽ có quyết định tiếp, theo hướng đến ngày 4/5 cho học sinh đi học trở lại.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện những biện pháp an toàn trong trường học để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, 38 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại đều thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ như: thực hiện giãn cách bảo đảm an toàn cho học sinh, phun thuốc khử khuẩn lớp học, có chỗ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đủ điều kiện,…

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Bộ tiêu chí về đảm bảo mức độ an toàn trong trường học trong mùa dịch, trong đó xây dựng 15 tiêu chí để trên có sở đó các địa phương có thể đánh giá được khả năng an toàn để tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống COVID-19 trong trường học được Bộ GD&ĐT ban hành sau khi phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế.

Trong đó, có 7 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường, 6 tiêu chí trong quá trình học sinh học tập tại trường và 2 tiêu chí khi các em kết thúc buổi học

1. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học (thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch), chú ý đến các yếu tố liên quan đến người khuyết tật.

2. Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương.

3. 100% trẻ mầm non, học sinh phổ thông, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động của nhà trường thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường.

4. 100% học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường.

5. Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

6. Có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.

7. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho học sinh, cán bộ, giáo viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh và xây dựng phương án xử trí trường hợp có sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học.

8. Bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp học.

9. Bảo đảm 100% học sinh mầm non và tiểu học được đón và giao nhận tại cổng trường.

10. Đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ.

11. Thực hiện đầy đủ theo quy định việc lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi lần đưa đón theo quy định, đeo khẩu trang đúng cách trong thời gian ở trường.

12. Thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, rà soát, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.

Theo bộ tiêu chí của Bộ GD&ĐT nếu trường nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học bị đánh giá "thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động. Ảnh minh hoạ

13. Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của nhà trường thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy định về phòng, chống COVID-19.

14. Bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà.

15. Bảo đảm 100% học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ.

Mỗi tiêu chí được đánh giá ở hai mức là "Đạt" và "Không đạt". Trường học được đánh giá "Đạt" ở 11 tiêu chí trở lên, trong đó phải có 4, 5, 10, 11 thì được coi là trường học an toàn, phải thường xuyên kiểm tra để duy trì. Nếu trường nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học bị đánh giá "thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động".