Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, ông Ghebreyesus cho biết, ngay từ đầu, các nước giàu đã chiếm phần lớn nguồn cung các loại vắc xin phòng COVID-19. Ông kêu gọi các nước giàu và các hãng sản xuất vắc xin ngừng các thỏa thuận song phương vì sẽ ảnh hưởng tới Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX do WHO khởi xướng nhằm phân phối vắc xin cho các nước nghèo. Ông cũng kêu gọi những nước đặt mua quá nhiều vắc xin nên cung cấp và chia sẻ cho cơ chế toàn cầu này.
Theo Tổng giám đốc WHO, có một vấn đề rõ ràng là các nước có thu có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa nhận được nguồn cung vắc xin phòng COVID-19. Hiện 42 nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng phòng COVID-19, mà 36 nước trong số này là những nước có thu nhập cao và chỉ có 6 nước có thu nhập trung bình.
Cuộc chạy đua sở hữu vắc xin ngày càng quyết liệt khi tình trạng dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại nhiều nước, đặc biệt với sự phát hiện của biến thể mới.
Những biến thể mới đây của SARS-CoV-2 tại Anh hay Nam Phi là lời cảnh báo sẽ không có một loại vắc xin nào có thể hiệu quả nếu ta chỉ dập chỗ này nhưng lại để bùng phát chỗ khác.
Bất chấp các cam kết và những cơ chế quốc tế đã được lập ra, mọi thứ đang ngày càng lộ rõ, những nước nghèo như tại Trung Đông, Nam Á hay châu Phi đang bị tụt lại rất xa trong cơ hội để được phân phối vắc xin. Đó là sự bất bình đẳng ở bình diện quốc gia. Còn ngay trong từng quốc gia, việc phân phối vắc xin cũng đang có những cộng đồng bị bỏ lại phía sau.
Tổng giám đốc WHO cho biết, trong những tuần gần đây, số ca nhiễm đã gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, người dân cần tuân thủ các biện pháp hạn chế và quy định giãn cách xã hội để chặn đà gia tăng lây lan của dịch bệnh.
Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 12h ngày 9/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 89.358.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.922.156 ca tử vong. Hơn 64 triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã phục hồi.