Xem phim Trumbo nhặt được câu này, khi nhà biên kịch Trumbo nói với con gái mình về mẹ chúng, vợ ông: "Mẹ con là một người phụ nữ kỳ diệu. Bà ấy luôn biết cách khiến bố nghe thấy giọng mình trong mọi cuộc đối thoại!". Tôi nghĩ mãi! Về một người vợ như thế, có nhiều không? Không! Vợ tôi cũng không phải người phụ nữ kiểu đó dù nàng vẫn luôn tuyệt vời với tôi.
Một người phụ nữ biết lắng nghe đã là một người phụ nữ quá tuyệt vời rồi! Một người phụ nữ thông minh sắc sảo đoán định và chỉ ra được những cái sai của chồng cũng là rất tuyệt. Nhưng là khiến chồng tự nguyện nhìn lại bản thân, lắng nghe lại chính bản thân chồng thì cần cả 2 điều tuyệt vời trên cùng một điều đặc biệt nữa: Sự trầm tính của lòng bao dung. Sự kiên nhẫn của một lòng yêu thương chồng hết mực! Tôi đoán vậy!
Trong mọi cuộc đối thoại (bao gồm cả tranh luận và hơn thế, cãi nhau) chúng ta vốn chỉ nghe thấy lý lẽ đúng đắn của mình, những điều mình đã làm (đôi khi được thổi phồng lên thành sự hy sinh). Và chỉ thấy mình đúng. Có một số ít thì nghe thấy cả lý lẽ của đối phương nhưng là để tìm ra lý lẽ mà phủ nhận. Chúng ta hay bị cuốn đi bởi mong muốn trở thành người chiến thắng trong cuộc đối thoại ấy. Hoặc tích cực ra, kết thúc cuộc đối thoại mà cả hai ít bị tổn thương nhất, ít thua thiệt nhất. Mà quên rằng ý nghĩa của mọi cuộc đối thoại là tình trạng mối quan hệ sẽ được cải thiện để tốt lên hoặc bước sang một tình trạng mới có ý nghĩa hơn. Không! Tôi vẫn nói rằng vợ chồng mà hơn thua với nhau thì cả hai cùng thất bại. Thế nên đối thoại là để cả 2 cùng thắng chính bản thân mình, cả hai cùng tốt lên, cuộc hôn nhân cũng nhờ thế mà thêm gắn kết hơn nữa.
Một người phụ nữ có thể khiến chồng nghe thấy, nhìn thấy chính anh ta trước nhất vẫn phải là người phụ nữ đứng ngoài cuộc với hơn thua. Không có tâm lý hơn thua sẽ giúp cô ấy lắng nghe tốt hơn, nhìn thấy nhiều hơn và một lòng sẵn sàng tha thứ cho những câu nói vô tình làm tổn thương mình. Bỏ qua những tiểu tiết do kích động mà thành. Không giương vây, nhe nanh, khoe vuốt sắc, xù lông nhím suốt cuộc đối thoại. Lắng nghe mà không đáp trả. Không ăn miếng trả miếng. Tôi nghĩ nó thật khó không chỉ với phụ nữ mà cả với đàn ông khi đối thoại. Thế nên mới cần một lòng yêu thương đủ lớn để làm được điều đó! Khi tình yêu cao hơn cả sĩ diện của bản thân, tự ái của bản thân thì mới mong đứng ngoài cuộc hơn thua ấy!
Trở về với vợ của nhà biên kịch Trumbo trong bộ phim Trumbo, tôi đã thấy người phụ nữ kiểu đó. Và còn nhiều hơn nữa là trong trường đoạn, khi 2 vợ chồng nhà biên kịch Trumbo nói chuyện với nhau. Trumbo nói: "Chúng ta sẽ không tranh luận về việc đó nữa". Vợ ông đáp, rất mạch lạc, dứt khoát: "Không! Đây không phải là tranh luận. Đây là cãi nhau!". Phải! Là cãi nhau có nghĩa là anh phải nhìn lại bản thân mình đi! Tranh luận còn có thể huề. Nhưng cãi nhau nhất định phải có kẻ thắng người thua. Mà trong cuộc hơn thua đó không phải em thắng anh thua mà là anh phải hơn thua với chính con người anh, những gì anh làm, những gì đang diễn ra quanh anh. Bởi theo dõi cuộc cãi nhau này, người vợ không góp mặt. Tất cả chỉ là chuyện của ông chồng. Và tất nhiên, không hề có đáp trả của người vợ. Trumbo buộc phải đáp trả với chính những gì ông ta đã nói ra, đã làm! Tôi nghĩ đó chính là lý do ông nói với con gái mình về mẹ chúng, vợ ông như thế!
Có thể tôi suy diễn xa quá về những gì tôi thấy trên phim Trumbo. Nhưng là bởi trong cuốn sách của mình: Làm sao để ngoại tình với chồng, tôi đã dành hẳn một chương riêng về kỹ năng cãi nhau với chồng. Sẽ thật tuyệt nếu như có một người vợ như thế, trở thành một người vợ khiến chồng mình kính trọng và biết ơn như thế!