Căn bệnh ám ảnh chị em văn phòng, những người hay nhấp nhổm, đứng ngồi không yên hãy coi chừng

Dù biết mình bị trĩ nhưng chủ quan không đi khám, chỉ đến khi đi đại tiện ra máu nhiều, sợ bị ung thư mới đến viện kiểm tra, khi đó búi trĩ đã có dấu hiệu hoại tử.

Chị em chấp nhận chịu đau, không đi khám vì lý do nhạy cảm

TS.BS Hà Mạnh Cường, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương (Hà Nội) cho biết, gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị trĩ, gây biến chứng đến khám và điều trị. Đáng nói, có trường hợp do điều trị sai, đi khám muốn khiến tình trạng nặng nề, bị hoại tử phải phẫu thuật.

Điển hình như trường hợp chị Minh Tuyết (37 tuổi, ở Hà Nội), bị trĩ nhiều năm nay nhưng cố chịu đựng, không đi khám. Chị chia sẻ, mỗi khi đi vệ sinh rất đau đớn và khó chịu, thậm chí búi trĩ sa ra ngoài phải dùng tay đẩy vào trong hậu môn. “Tôi làm văn phòng, phải ngồi nhiều nên rất khó chịu khi bị trĩ. Nhiều hôm cứ nhấp nhổm, ngồi một lúc lại phải đứng dậy đi lại, kê cả gối để ngồi vẫn đau đớn”, chị Tuyết chia sẻ.

Gần đây, qua tìm hiểu nên chị Tuyết biết được một thầy lang điều trị dứt điể bệnh trĩ, không cần dùng thuốc nên đã đến khám và lấy thuốc về bôi, đắp lá. Sau 20 ngày, bệnh tình không giảm, búi trĩ lộ ra ngoài và đau nhiều hơn. Qúa khó chịu, chị Tuyết dùng tay ấn vào nhưng không được, thậm chí thấy có hiện tượng hoại tử màu đen nên đã đến bệnh viện thăm khám.

Chị em có biểu hiện khó chịu khi ngồi nhiều, đi ngoài ra máu cần lưu ý đi khám trĩ sớm. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Mạnh Cường cho biết, qua thăm khám bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ hoại tử, dù chưa nguy hiểm đến tính mạng, nhưng điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.

Một trường hợp khác là chị Thu Minh (45 tuổi, ở Vĩnh Phúc), gần đây mỗi lần đi đại tiện có máu tươi ra theo phân nhiều, dùng thuốc không đỡ vì thế sợ bị ung thư đại tràng nên chị quyết định đi khám. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám TS Hà Mạnh Cường chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp, rất may bệnh nhân đến viện khi chưa quá muộn nên không cần phẫu thuật. “Với bệnh nhân này chúng tôi chỉ định tiêm xơ triệt mạch trĩ để búi trĩ tự teo đi. Phương pháp này đơn giản, ít tốn kém, bệnh nhân lại không đau, không phải nằm viện, sinh hoạt làm việc bình thường sau tiêm”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Theo bác sĩ Cường, hiện nay số người trẻ bị bệnh trĩ đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên ở vị trí nhạy cảm nên nhiều người e ngại, không đi khám sớm. Chỉ khi những cơn đau dữ dội, kèm theo ra máu hoặc gây bất tiện cho sinh hoạt mới đến viện kiểm tra, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém và dễ gây biến chứng.

Ngồi nhiều là nguy cơ gia tăng bệnh trĩ

Bác sĩ Mạnh Cường cho biết, bệnh trĩ là hiện tượng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn, đây là một bệnh lành tính. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số người mắc trĩ trọng cộng đồng rất cao, do vậy người xưa có câu “thập nhân cửu trĩ”, nghĩa là cứ 10 người thì có đến 9 người mắc trĩ. Độ tuổi phổ biến mắc trĩ là từ 25-60 tuổi.

Bác sĩ Cường cho biết, bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa và phụ nữ có tỉ lệ mắc nhiều hơn nam giới.

Về nguyên nhân gây bệnh, theo bác sĩ Cường hiện chưa được xác định một cách rõ ràng, tuy nhiên đã xác định được một số yếu tố nguy cơ, cụ thể:

- Thứ nhất là vấn đề tư thế, với người có thói quen đứng lâu, ngồi lâu, ngồi vệ sinh lâu có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn;

- Thứ 2 là rối loạn chức năng đại tiện như táo bón hay đi ngoài phân lỏng nhiều lần cũng là yếu tố nguy cơ;

- Thứ 3 tăng áp lực trong khoang ổ bụng, nhất là người lao động tay chân nặng nhọc, ho, hắt hơi nhiều … áp lực trong ổ bụng tăng và bệnh trĩ dễ xuất hiện. Người mắc trĩ thường được khuyên không nên tập tạ, mang vác nặng;

- Thứ 4 là phụ nữ mang thai, sinh đẻ có nguy cơ bị trĩ cao hơn bình thường. Đặc biệt, nếu đã bị trĩ, khi có thai trĩ nặng lên, thậm chí có thể xảy ra biến chứng trĩ tắc mạch hoặc trĩ nghẹt.

Người mang thai liên quan đến trĩ do khi mang thai áp lực ổ bụng tăng, thai to chèn ép hệ thống mạch máu làm cản trở lưu thông máu, ngoài ra phụ nữ mang thai đôi khi bổ xung viên thuốc sắt là một trong những nguyên nhân gây nên táo bón và tăng nguy cơ bị trĩ”, bác sĩ Cường phân tích. Ngoài ra, những người bép phì, tiền sử gia đình từng có người bị trĩ cũng là yếu tố nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Với những người mắc trĩ, phụ thuộc vào từng cá thể và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ như người bị trĩ ngoại có thể sẽ cắt búi trĩ sa ra ngoài, nhưng có người sẽ phải chấp nhận sống chung khi búi trĩ không sa quá nhiều.

Đa số người mắc trĩ đi khám muộn, vì thế tỉ lệ cần phải can thiệp khá cao. Ảnh: BSCC.

Với trĩ nội, tùy vào cấp độ có thể điều trị nội khoa, dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Ở mức độ nặng hơn như trĩ nội độ 3 có thể điều trị bằng thủ thuật tiêm xơ triệt mạch trĩ. Trong điều trị, các bác sĩ sẽ cân nhắc phối hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả cao nhất, vừa ít đau đớn, giảm tối đa biến chứng, lại đạt hiệu quả không tái phát.

Nỗi ám ảnh với nhiều người bệnh khi mổ cắt trĩ là đau sau mổ. Hiện các bác sĩ phối hợp nhiều phương pháp, không cắt quá nhiều sẽ giảm sự đau đớn cho bệnh nhân. Điều quan trọng, nếu bệnh nhân đến khám sớm thì thậm chí không cần phải mổ cắt trĩ. Tuy nhiên, đa số người bị trĩ đi khám muộn, cứ 10 người đến viện khám thì có đến 7 trường hợp có chỉ định can thiệp, 3 người có thể điều trị bằng thuốc”, bác sĩ Cường khuyến cáo.

Phòng bệnh trĩ không khó

Theo bác sĩ Hà Mạnh Cường, phòng bệnh trĩ không hề khó khăn, điều quan trọng là bản thân mỗi người phải kiên trì để thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng như tập luyện. Một số biện pháp phòng bệnh trĩ được bác sĩ Cường khuyến cáo như sau:

- Chế độ ăn, uống cần kiêng chua, cay, rượu bia, chất kích thích … Đồng thời ăn nhiều rau, uống đủ nước theo trọng lượng cơ thể.

Để phòng bệnh trĩ cần kiêng ăn cay nóng, kiêng rượu bia. Ảnh minh họa. 

- Tránh tư thế đứng lâu, ngồi lâu, thói quen ngồi nhà vệ sinh kéo dài.

- Chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, rèn luyện sức khỏe: Với những người bị trĩ tránh tập các môn thể thao tăng áp lực ổ bụng như tập tạ. Nên tập môn bơi.

- Đối với phụ nữ mang thai phải có chế độ ăn, uống hợp lý để phòng tránh tình trạng táo bón.

- Đối với người bị béo phì phải có kế hoạch giảm cân bằng chế độ ăn, uống, luyện tập thể dục thể thao.

- Kiểm soát tình trạng rối loạn đại tiện như:

+ Nếu táo bón thì phải điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau, uống nhiều nước. Khi điều chỉnh chế độ ăn, uống mà không cải thiện tình trạng táo bón thì đi khám chuyên khoa để dùng thuốc theo chỉ định.

+ Nếu tiêu chảy thì xem chế độ ăn, dùng thuốc khi cần thiết.

LÊ PHƯƠNG.