Các nhà nghiên cứu ở Úc cho biết căng thẳng liên tục sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của não, theo đó, có thể dẫn đến các triệu chứng sa sút trí tuệ.
Được biết, mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh Alzheimer có thể là do trục HPA (Trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận ) – một con đường trong não chịu trách nhiệm phản ứng với căng thẳng.
Theo Tiến sĩ David Groth, tác giả cao cấp của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Đại học Curtin (Perth, Úc), căng thẳng mãn tính ảnh hưởng đến nhiều con đường sinh học bên trong cơ thể. Các biến thể di truyền trong những con đường này có thể tác động đến cách mà hệ thống miễn dịch của não hoạt động, dẫn đến phản ứng rối loạn chức năng. Do đó, các quá trình hoạt động bình thường của não sẽ bị gián đoạn, sau đó làm tăng nguy cơ thoái hóa thần kinh và cuối cùng là chứng sa sút trí tuệ.
Các chuyên gia nghiên cứu vấn đề này cũng nhận định sự rối loạn điều hòa HPA và tăng nồng độ cortisol (một loại hormone gây căng thẳng) đều phổ biến ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Nguyên nhân của bệnh Alzheimer hiện vẫn chưa được tìm ra, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng một số yếu tố môi trường, lối sống và di truyền có thể đóng một vai trò nào đó. Chỉ riêng căng thẳng có thể không gây ra bệnh này nhưng nó có khả năng là một trong số nhiều yếu tố xác định liệu các triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ biểu hiện sớm hay muộn hơn.
Mức độ căng thẳng của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer càng cao sẽ làm giảm khả năng đối phó với những thay đổi bệnh lý và các triệu chứng của họ có thể biểu hiện rõ rệt hơn”, Tiến sĩ Irina Skylar-Scott tại Đại học Stanford, California chia sẻ.
Mẹo giảm căng thẳng
Để giảm căng thẳng và nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, mọi người nên tập thể dục, thử các bài tập thở, sắp xếp thời gian để thư giãn, cải thiện thói quen ngủ, dành thời gian cho các hoạt động giải trí và cười nhiều hơn. Chế độ ăn uống, thói quen ngủ và thói quen ứng phó với căng thẳng, chúng ta đều có thay đổi được trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo vov.vn