Thời gian gần đây, dư luận xôn xao khi trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, clip chế chèo thuyền đi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan. Được biết, mọi chuyện xuất phát từ clip dùng hình ảnh bà Trương Mỹ Lan tại tòa lồng ghép nội dung nói rằng 673 nghìn tỷ đồng bà đang giấu ngoài biển.
Ngay lập tức, trend đi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan trở thành đề tài gây chú ý. Nhiều người tự chế ảnh hoặc clip chèo thuyền ra biển đi tìm số tiền bà Lan cất giấu.
Trao đổi trên báo Người lao động, luật sư Quỳnh Thi cho biết, việc lồng ghép hình ảnh hoạt động tố tụng tại tòa án để đưa thông tin sai lệch, tạo trend coi chừng vi phạm pháp luật. Việc dùng hình ảnh thật rồi lồng ghép tiếng nói với nội dung sai lệch hoàn toàn, đưa thông tin không đúng sự thật có thể tác động xấu trên mạng, gây hoang mang trong dư luận là vi phạm pháp luật.
Hành vi đó vi phạm tới mức độ nào bị xử lý ra sao thì cần phải qua công tác xác minh của cơ quan tiến hành tố tụng để làm rõ động cơ mục đích của cá nhân hay tổ chức đã đưa hình ảnh, thông tin lên mạng.
Theo thông tin trên Thư viện pháp luật, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử lý như sau:
- Về hành chính: Có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân.
(Điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP)
- Về hình sự: Tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau:
+ Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù (Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015).
+ Tội vu khống với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù (Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017).
+ Tội làm nhục người khác với mức hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017).
+ Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù (Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015).
+ Hoặc các tội khác theo kết luận của cơ quan chức năng.
Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật An toàn thông tin mạng
Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 7 Luật an toàn thông tin mạng 2015 bao gồm:
- Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.
- Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.
- Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.
- Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.
- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
- Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.
Xem thêm: Đối tượng nào có thể không được tăng lương từ 1/7/2024?
Minh Khuê (t/h)