Chiều cao và cân nặng bao nhiêu không được đi nghĩa vụ quân sự?

Khám nghĩa vụ quân sự là để xác định công dân có đủ tiêu chuẩn cơ bản để nhập ngũ. Vậy, chiều cao và cân nặng bao nhiêu sẽ đi nghĩa vụ quân sự?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP đã quy định tiêu chuẩn sức khỏe chung để được đi nghĩa vụ quân sự là đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP

Dẫn chiếu đến Điều 5 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì tiêu chuẩn phân loại sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự sẽ được dựa trên việc phân loại theo thể lực tại Mục I Phụ lục I và phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe theo Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Đối với chiều cao và cân nặng, thì được xếp vào tiêu chuẩn phân loại theo thể lực, và được phân loại cụ thể theo bảng dưới đây tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP:

LOẠI SỨC KHỎE

NAM

NỮ

NAM VÀ NỮ

Cao đứng (cm)

Cân nặng (kg)

Vòng ngực (cm)

Cao đứng (cm)

Cân nặng (kg)

BMI

 

(cân nặng/chiều cao2)

 

1

≥ 163

≥ 51

≥ 81

≥ 154

≥ 48

18,5 - 24,9

2

160 -162

47 - 50

78 - 80

152 - 153

44 - 47

25 - 26,9

3

157 -159

43 - 46

75 - 77

150 - 151

42 - 43

27 - 29,9

4

155 -156

41 - 42

73 - 74

148 - 149

40 - 41

<18,5 hoặc 30 - 34,9

5

153 -154

40

71 - 72

147

38 - 39

35 - 39,9

6

≤ 152

≤ 39

≤ 70

≤ 146

≤ 37

≥ 40

Chỉ số BMI (Body Mass Index) là chỉ số khối cơ thể đánh giá mối tương quan giữa chiều cao và cân nặng. Chỉ số này được tính bằng công thức như sau:

BMI = Cân nặng (kg) / {Chiều cao (m)}2

Cách làm tròn chiều cao, cân nặng: Chiều cao, cân nặng từ 0,5 trở lên ghi là 1 đơn vị; từ 0,49 trở xuống thì không lấy phần lẻ.

Ví dụ:

Cao: 152,50 cm ghi là 153 cm; 158,49 cm ghi là 158 cm.

Cân nặng: 46,50 kg ghi là 47 kg; 51,49 kg ghi là 51 kg.

Theo phương pháp phân loại sức khỏe được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định:

- Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1.

- Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.

- Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.

- Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4.

- Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5.

- Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Lưu ý, trường hợp đang mắc bệnh cấp tính, bệnh có thể thuyên giảm hay tăng lên sau một thời gian hoặc sau điều trị, thì điểm đó phải kèm theo chữ "T" bên cạnh (nghĩa là "tạm thời"). Người khám phải ghi tóm tắt bằng tiếng Việt tên bệnh bên cạnh (có thể ghi bằng danh từ quốc tế giữa hai ngoặc đơn). Khi kết luận, nếu chữ "T" ở chỉ tiêu có điểm lớn nhất, phải viết chữ "T" vào phần phân loại sức khỏe.

Trường hợp nghi ngờ chưa cho điểm hoặc chưa kết luận được, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự gửi công dân tới khám chuyên khoa tại cơ sở y tế khác để có kết luận chính xác. Thời gian tối đa 10 ngày phải có kết luận và chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết.

Những trường hợp phiếu sức khỏe có ghi chữ "T", Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến cơ sở y tế để điều trị.

Trường hợp công dân mắc bệnh tật chưa được phân loại theo Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP, thì Hội đồng khám sức khỏe đánh giá đầy đủ, toàn diện chức năng cơ quan bị bệnh tật, mức độ ảnh hưởng đến khả năng luyện tập quân sự, lao động, sinh hoạt, tiên lượng mức độ tiến triển bệnh, tật để kết luận phân loại sức khỏe.

Như vậy, từ bảng phân loại tiêu chuẩn thể lực và phương pháp phân loại sức khỏe trên, đối với công dân nam, nếu có chiều cao dưới 1m57 và cân nặng dưới 43 kg thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để đi nghĩa vụ quân sự, do không đạt tiêu chuẩn sức khỏe từ loại 3 trở lên.

Trường hợp đối với công dân nữ nếu muốn tham gia nghĩa vụ quân sự mà có chiều cao dưới 1m50 và cân nặng dưới 42 kg, thì cũng sẽ không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia.

Đồng Xuân Thuận/Người đưa tin