Sau sự việc 4 cán bộ, công chức đánh bài tại trụ sở UBND xã Tế Lợi (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vào tối 6/8, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Lê Xuân Hùng – Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Nông Cống đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ lãnh đạo gồm các ông: Đỗ Khắc Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa; ông Lường Khắc Nam, Chủ tịch UBND xã Tế Lợi; ông Lê Văn Duệ, Chủ tịch HĐND xã Tế Thắng; Ngô Minh Trung, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Tế Lợi.
“Hiện đơn vị đang thành lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm, từ đó sẽ đưa ra biện pháp xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật và theo quy định của Đảng”, ông Lê Xuân Hùng cho biết.
Nêu quan điểm để sự việc trên, ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng: Trong khi chính quyền và người dân cả nước đang căng mình chống dịch, thì những người cán bộ đứng đầu một địa phương lại bất chấp các quy định về phòng chống dịch, tổ chức đánh bài ăn tiền, mặc dù số tiền đánh bạc không lớn, nhưng hành vi này đáng bị chê trách và cần thiết phải bị xử lý nghiêm.
Vấn đề mà Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa muốn nhấn mạnh là một bộ phận cán bộ chủ chốt, lãnh đạo một địa phương vì không gương mẫu, thiếu tu dưỡng nên mới có hành vi vi phạm, gây phản cảm cho không chỉ người dân Thanh Hóa và còn gây phản cảm, bức xúc cho người dân cả nước.
“Trách nhiệm của chính quyền là phải lo lắng, quyết liệt để dập dịch, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, đúng theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đề ra là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Do vậy mỗi cán bộ đảng viên, người đứng đầu phải có trách nhiệm thực thi. Tuy nhiên, những vị cán bộ trên lại có hành vi vi phạm trắng trợn, khiến người dân bức xúc, do vậy cần phải xử lý nghiêm minh”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Dưới góc nhìn pháp lý về sự việc này, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc công ty luật Dragon (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự xã hội, không chỉ làm ảnh hướng xấu đến gia đình và cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác.
“Trong các tội danh thì đánh bạc thuộc nhóm xâm phạm trật tự công cộng. Hiện nay chúng ta có Nghị định 03 về kinh doanh Casino. Như vậy những tổ chức, cá nhân nào kinh doanh sòng bạc không tuân thủ các quy định tại Nghị định này thì được xem là trái phép và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm”, luật sư Long nói.
Theo thông tin báo chí đăng tải, trong quá trình kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện 4 người đang đánh bài gồm 4 cán bộ trên và một người ngồi xem là cán bộ bán chuyên trách văn hóa xã Tế Lợi. Lực lượng chức năng đã đã lập biên bản, thu giữ tại chỗ 1 bộ bài 52 cây; 655.000 đồng.
Luật sư Long cho rằng, với mức độ như vậy, những người đánh bạc trên chưa đến mức phải xử lý hình sự. Song hành vi đánh bạc đã vi phạm pháp luật và sẽ phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 26, Nghị định 167/2016/NĐ-CP.
Cụ thể: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây: a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật”.
Cùng trao đổ về sự việc, luật sư Trương Công Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Ngoài xử lý về hành vi đánh bạc, cơ quan chức năng cần làm rõ những người đánh bạc và những người đứng xem có đeo khẩu trang hay không? Có tuân thủ về giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ hay không?
Bản thân luật sư Đức nhận định, 4 người ngồi chơi bạc cùng nhau, chưa kể một số người ngồi xem xung quanh nhiều khả năng đã vi phạm quy định về giãn cách, tập trung đông người trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp.
Do đó, luật sư Đức cho rằng: Những người đánh bạc và cả những người đứng xem, nếu không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng (Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trường hợp hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh khiến dịch bệnh lây lan thì những người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Qua đây tiếp tục là bài học cảnh báo cho mọi người, cần thiết phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Đối với người đứng đầu mà không gương mẫu, có hành vi vi phạm thì càng cần phải bị xem xét, xử lý nghiêm để làm gương cho mọi người”, luật sư Đức nói.
Nguyễn Thị Thúy - Người Đưa Tin Pháp Luật