Cố NSƯT Thanh Nga: "Nữ hoàng sân khấu" và vẻ đẹp còn mãi với thời gian

Sau hơn 40 năm kể từ khi ra đi, cố NSƯT Thanh Nga đã để lại khoảng trống không thể lấp đầy trong làng sân khấu cải lương Việt Nam.

NSƯT Thanh Nga là cái tên chói sáng trên sân khấu cải lương nói riêng và văn hóa nghệ thuật trong nước nói chung. Bà được gọi là "Nữ hoàng sân khấu" bởi chẳng những nổi danh về về tài sắ vẹn toàn mà còn được hầu hết khán giả yêu mến vẻ thùy mị và lòng vị tha, nhân hậu.

Nghệ sĩ Thanh Nga sinh năm 1942 tại Tây Ninh, tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga. Mẹ của bà chính là bà Nguyễn Thị Thơ (còn gọi là "bầu Thơ") từng làm Trưởng đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga nức tiếng một thời.
Cái tên Thanh Nga trở thành “tượng đài” trong nghệ thuật cải lương của Việt Nam.
Từ năm 10 tuổi, bà đã bước lên sân khấu tuồng cổ để hát mở màn cho các đêm diễn của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga do mẹ làm chủ. Năm 12 tuổi, bà được cho đóng vai bé Nghi Xuân trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa" và ngay lập tức đã tạo được sự chú ý của khán giả cũng như giới chuyên môn. 
Năm 16 tuổi, với vai nữ chính đầu tiên trong vở diễn "Người vợ không bao giờ cưới", bà đã giành Huy chương Vàng của giải Thanh Tâm 1958. Nghệ sĩ đã trở thành một "ngôi sao sáng" của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố: thanh, sắc, ca ngâm và diễn xuất của một cô đào hát. 
Trong suốt hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi của bà gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như: Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Thái hậu Dương Vân Nga... Ngoài cải lương, bà cũng góp mặt trong nhiều phim điện ảnh như: Loan mắt nhung, Xa lộ không đèn, Sau giờ giới nghiêm, Lan và Điệp...
Nghệ sĩ Thanh Nga là một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á châu tại Đài Bắc năm 1971. Với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều, bà giành giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1974 tại Đài Bắc (Đài Loan). Đồng thời, bà cũng là gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969. 
Hình ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga vẫn còn lưu giữ trong những thước phim viện lưu trữ ở Tokyo, Paris, Hong Kong (Trung Quốc). 
Năm 1969, trong chuyến biểu diễn ở Pháp, bà  được trưởng đoàn Phạm Duy Lân yêu mến và dành sự quan tâm đặc biệt. Sau khi về Việt Nam, cả hai quyết định kết hôn.
Tổ ấm nhỏ của nghệ sĩ Thanh Nga càng thêm rộn rã và hạnh phúc khi đón chào cậu con trai đầu lòng - bé Phạm Duy Hà Linh (nay là nghệ sĩ Hà Linh). 
Ngày 26/11/978, khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc thời kỳ hoàng kim của nghề diễn, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại ngay trước cửa nhà riêng. Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ.
Sự qua đời đột ngột của nghệ sĩ Thanh Nga để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ. Năm 1984, bà được truy tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2015, tên bà được đặt cho một con đường tại khu dân cư Gia Hòa (quận 9, TP.HCM). Hơn 40 năm bà rời cõi tạm, thời gian trôi xa nhưng những ký ức về bà trong lòng khán giả vẫn không hề phai nhạt.