Cổng trường đổ khiến 6 học sinh thương vong: Trách nhiệm thuộc về nhà trường hay đơn vị xây dựng?

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để xác định trách nhiệm trong vụ việc này cần làm rõ thời điểm xảy ra tai nạn có trong giờ học hay không, tình trạng cổng trước khi đổ, cơ chế quản lý học sinh của nhà trường...

Khoảng 13h10 ngày 7/9, cổng Trường tiểu học Khánh Yên Thượng (thuộc xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai - nơi học tập của học sinh mầm non và tiểu học tại xã Khánh Yên Thượng) bất ngờ đổ sập khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ, 3 học sinh khác bị thương.

Trả lời báo chí, ông Vũ Kim Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Khánh Yên Thượng, cho biết cổng trường được xây dựng từ năm 2016. Nhìn bề ngoài, cổng trường to, bề thế. Ông Phúc nói về trường làm việc năm 2017, cổng trường đã có nên không nắm rõ quá trình xây dựng. Trước hôm xảy ra vụ việc, tại địa phương có mưa. Sáng hôm sau, các em học sinh đến trường sớm, nhóm học sinh trèo, nghịch trên cánh cổng dẫn đến trụ bê tông và cổng trường đổ.

Nạn nhân là những học sinh thuộc lớp mầm non ghép và lớp 1 của Trường. Các em đều là người dân tộc Mông, gia đình chủ yếu thuộc hộ nghèo và cận nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến 6 học sinh thương vong

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các cháu bị nạn và thăm hỏi gia đình, các cháu bị thương đang được chữa trị. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học; tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.

Liên quan đến vụ tai nạn thương tâm khiến 6 học sinh thương vong ngay trong ngày đầu đến trường, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để xác định được trách nhiệm trong vụ việc này, cần làm rõ thời điểm tai nạn xảy ra có trong giờ học hay không? Việc trông nom, quản lý, giám sát các cháu do ai đảm nhiệm? Tình trạng cánh cổng, các dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp như thế nào?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm trông nom học sinh nhằm đảm bảo an toàn nhưng lại buông lỏng đề xảy ra tai nạn thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về việc vô ý làm chết người theo Điều 128; Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy định quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Theo Luật sư Cường, sự việc xảy ra trong giờ học, trong khuôn viên trường học, do tài sản, vật dụng của trường gây ra thì trường học phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh. Cụ thể, thiệt hại với học sinh bị thương tích bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công chăm sóc, thiệt hại tinh thần. Với học sinh thiệt mạng, trường phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), chi phí mai táng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015.