Xu hướng mới để giải quyết tranh chấp
Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và châu Mỹ, thiết chế trọng tài đã được hình thành từ rất lâu và giữ một vị thế hết sức quan trọng trong hệ thống tài phán của các quốc gia này.
Hoạt động xét xử của trọng tài liên tục, do đó tiết kiệm thời gian, chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp, trong khi giải quyết tranh chấp bằng tòa án thường rất khó đạt được điều này, bởi tòa án phải giải quyết nhiều tranh chấp cùng một lúc, do đó tình trạng tồn đọng là điều khó tránh.
Thực tiễn cho thấy, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ tối đa là 6 tháng, trong khi giải quyết tại tòa án có trường hợp kéo dài mấy năm.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại thế giới, nhất là việc tăng cường mậu dịch quốc tế, trọng tài đã trở thành một phương tiện được áp dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn tới việc hình thành những tổ chức trọng tài quốc tế.
Tại Việt Nam, hiện đã có 22 trung tâm trọng tài, chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM như: Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu (ACIAC); Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội (HCAC); Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (TRACENT); Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ; Trung tâm Trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC); Trung tâm Trọng tài Viễn Đông; Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC)….
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch VLCAC, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài mang tính chất ưu việt hơn việc kéo nhau ra tòa án, mà lại phù hợp với hoạt động thương mại.
Quyết định của trọng tài là chung thẩm và vì vậy có giá trị bắt buộc đối với các bên, vấn đề này được quy định cụ thể tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Việc xét xử tại trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp xét xử, đó cũng chính là điều khác biệt cơ bản so với việc xét xử tại tòa án, bởi thông thường xét xử tại tòa án diễn ra ở hai cấp.
Mặt khác, hoạt động của trọng tài diễn ra liên tục vì Hội đồng trọng tài xét xử vụ kiện là do các bên thỏa thuận lựa chọn, hoặc được chỉ định để giải quyết vụ kiện, do đó các trọng tài viên là người theo vụ kiện từ đầu đến cuối, vì vậy, họ có điều kiện để nắm bắt và tìm hiểu thấu đáo các tình tiết của vụ việc.
Tùy thuộc vào lựa chọn của các bên có thể dùng hình thức trọng tài vụ việc hay là giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài.
Chính điều này có lợi ngay cả khi các bên muốn hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trọng tài có thể hỗ trợ các bên đạt tới thỏa thuận, điều mà ít khi xảy ra ở tòa án.
“Hơn thế nữa, việc xét xử và nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi. Đây là một ưu điểm quan trọng, bởi các doanh nghiệp không muốn các bí quyết kinh doanh (nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ cao) của vụ tranh chấp thương mại bị đem ra công khai trước tòa án, điều mà các doanh nghiệp luôn coi là tối kỵ trong hoạt động kinh doanh của mình”, luật sư Nguyễn Văn Hậu chỉ ra.
Xây dựng và phát triển trọng tài thương mại
Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, phương thức trọng tài thương mại đang ngày càng phát triển và trở thành một trong những phương thức tối ưu nhất để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Qua 10 năm áp dụng, Luật Trọng tài thương mại đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm và đón nhận nhiều hơn. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể.
Luật sư Vũ Ánh Dương nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay, các quốc gia đang có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển. Một số quốc gia có tham vọng trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp của thế giới như Singapore, Hàn Quốc,…
Một số trung tâm trọng tài trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc v.v…. đang ngày càng lan rộng tầm ảnh hưởng.
Toà án nhiều quốc gia đều có các chính sách ủng hộ trọng tài, theo đó, để tôn trọng sự độc lập của tố tụng trọng tài thì toà án chỉ can thiệp khi trọng tài cần sự hỗ trợ và giảm thiểu tối đa những can thiệp tiêu cực, đặc biệt là vấn đề huỷ phán quyết trọng tài.
Cũng theo ý kiến một số luật sư, trong các vụ việc liên quan đến trọng tài quốc tế, việc lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài đồng nghĩa với việc lựa chọn luật của quốc gia tại nơi tiến hành trọng tài.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế - Học viện Tư pháp cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật của Việt Nam về hòa giải thương mại vẫn cần được nâng cấp.
Văn bản pháp luật có hiệu lực trực tiếp nhất về hòa giải là Nghị định khiến hiệu quả triển khai hoạt động hòa giải thương mại. Bên cạnh đó, Nghị định 22/2017/NĐ-CP vẫn còn thiếu vắng những quy định cụ thể hóa một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của hòa giải viên là nghĩa vụ bảo mật thông tin; thiếu vắng các quy định về hòa giải thương mại trực tuyến;…
Hơn nữa, quá trình áp dụng pháp luật không tránh khỏi các xung đột ngay chính trong bản thân pháp luật nội dung và giữa các quy định của pháp luật hình thức và các quy tắc do các bên lựa chọn, thỏa thuận áp dụng.
Việc lý giải và lựa chọn quy định giải quyết xung đột là điều hết sức quan trọng, quyết định đến nội dung của vụ án, cũng như ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trọng tài nước ngoài hay trọng tài trong nước để giải quyết tranh chấp, điều này đồng nghĩa với khả năng dẫn đến những hệ quả bất lợi cho phía Việt Nam.
Do đó, cần thiết sớm xây dựng những quy định mang tính nguyên tắc để giải quyết xung đột pháp luật giữa các hệ thống trong tố tụng trọng tài thương mại.