Dịch COVID-19 đang bùng trở lại tại Pháp. Nước này lại ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới virus SARS-CoV-2, với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Bên cạnh đó, Pháp cũng phát hiện ngày càng nhiều số ca nhiễm biến thể mới của loại virus này, tại hàng loạt các thành phố trên toàn quốc như Paris, Marseille, Lille, Tour hay Bagneux.
Trước tốc độ lây lan nhanh hơn của biến thể mới này, các nhà khoa học Pháp còn đang lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch, tức là biến thể mới sẽ tạo nên một dịch bệnh còn lây lan nhanh hơn chủng virus hiện nay.
Bên cạnh đó, Pháp đang bước vào một tuần rất quan trọng, đây là khoảng thời gian 15 ngày sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ lễ cuối năm, giai đoạn mà cơ quan y tế nước này lo ngại số ca nhiễm virus sẽ bùng nổ. Một cuộc họp Hội đồng An ninh – Quốc phòng đặc biệt sẽ diễn ra vào ngày 13/1, để quyết định các biện pháp sẽ được triển khai trong những tuần tới.
Trước mắt, Chính phủ Pháp đang đặt ra 3 kịch bản để đối phó dịch. Kịch bản khả thi nhất là nới rộng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc lên từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Hiện tại, có tổng cộng 25 tỉnh trên toàn nước Pháp đang áp dụng quy định này, trong khi phần còn lại bắt đầu giờ giới nghiêm từ 20h. Kịch bản thứ hai là lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 18h tối đến 6h sáng trong tuần, kèm theo phong tỏa toàn quốc vào 2 ngày cuối tuần. Kịch bản thứ ba, ít xảy ra hơn, là phong tỏa toàn quốc lần thứ 3.
Nhiều nhà khoa học và lãnh đạo địa phương coi tái phong tỏa là biện pháp khó tránh khỏi. Bà Michèle Rubirola - Phó Thị trưởng thứ nhất thành phố Marseille, nơi phát hiện nhiều ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh nói: “Tôi cho rằng lệnh giới nghiêm từ 18h hay 20h không mang lại thêm điều gì. Tại sao lại không tái phong tỏa để loại virus này ngừng lây lan. Bởi vì điều cần làm là cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Đương nhiên cần phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng bởi đây là giải pháp, đẩy nhanh việc đưa vaccine tới những khu vực cần thiết và Marseille sẽ trở thành một khu vực được ưu tiên”.
Cho đến thời điểm hiện tại, giải pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 chưa phải là ưu tiên của Chính phủ Pháp nhưng Thủ tướng Jean Castex khẳng định, đây sẽ là biện pháp được sử dụng cuối cùng, nếu tình hình dịch bệnh có nguy cơ mất kiểm soát.
Trong diễn biến có liên quan, trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định tái phong tỏa toàn bộ nước Anh lần thứ 3 khi số ca mắc mới do biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại nước này gây ra tiếp tục tăng cao không thể kiểm soát.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận, các bệnh viện tại Anh đang chịu sức ép lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Anh hồi tháng 3/2020. Tại một số vùng của nước này, số ca mắc mới đã tăng gần 1/3 trong một tuần qua và cao hơn đến 40% so với đỉnh điểm của đại dịch hồi tháng 4/2020.
Trước thực tế đó, ông Boris Johnson cho rằng chính phủ Anh không còn lựa chọn nào khác là phải tái phong tỏa nghiêm ngặt toàn bộ lãnh thổ để có thể kiểm soát được virus.
Trong lần tái phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, người dân Anh cũng sẽ phải tuân thủ các hạn chế tương đối khắc nghiệt. Tất cả người dân được yêu cầu ở lại trong nhà, làm việc từ xa và chỉ ra đường khi có việc vô cùng thiết yếu. Những người Anh trong diện dễ bị tổn thương vì COVID-19 cũng được yêu cầu tái lập lớp bảo vệ như trước đây và sẽ nhận được thư hướng dẫn chi tiết của chính phủ. Toàn bộ các trường học tại Anh cũng sẽ đóng cửa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định, các tuần trước mắt sẽ là vô cùng khó khăn với người dân Anh nhưng hy vọng nước Anh có thể gỡ phong tỏa từ giữa tháng 2/2021.