Theo Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Điều chỉnh lương hưu
1. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
3. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.
Căn cứ khoản 2 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
...
2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
...
Theo đó đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì việc điều chỉnh tăng lương hưu cũng được thực hiện tương tự theo như quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy toàn bộ đối tượng nghỉ hưu đủ điều kiện hưởng lương hưu có thể được điều chỉnh tăng lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Các đối tượng đủ điều kiện hưởng lương hưu nghỉ hưu trước 1995 có mức lương hưu thấp được điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Về thời điểm, đối tượng và mức tăng lương hưu sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.
Vừa qua Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết nghị chưa tăng lương hưu trong năm 2025.
Vậy trong năm 2026 nếu nền kinh tế vĩ mô có sự thay đổi lớn về mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng thì có thể căn cứ vào đó để điều chỉnh tăng lương hưu. Mức lương hưu tăng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của khu vực công khi cải cách tiền lương ra sao?
Căn cứ theo quy định tại tiết 3.1 tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi chính thức có 05 bảng lương mới thì cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của khu vực công như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
- Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.