
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới như xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường...
Trên cơ sở đó, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện chất thải rắn, thuỷ điện nhỏ, trong đó có chính sách giá điện hỗ trợ.
Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện. Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.

Tại Hội thảo Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức chiều 18/2/2025, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng như Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Điện lực 2024 hay Quy hoạch điện VIII đều xác định khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng…
Theo ông Phạm Minh Hùng, muốn thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, cần bảo đảm giá điện hợp lý, phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất và kinh doanh, giúp nhà đầu tư có lợi nhuận ổn định. Cùng với đó, cho phép tư nhân tự quyết định giá mua bán điện nhưng không vượt quá khung giá quy định của Nhà nước.
Giá điện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp điện lực. Đồng thời, cần nghiên cứu chính sách bảo đảm đầu tư như chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện để giảm rủi ro, cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn để bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư.

Tại Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) vào tháng 10/2024, các chuyên gia đã chỉ ra rằng cơ chế giá năng lượng của Việt Nam hiện nay chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích hoặc thúc đẩy việc áp dụng năng lượng tái tạo một cách hiệu quả.
Các chuyên gia tại GEFE 2024 nhận định rằng, nhu cầu cấp bách hiện nay là cải thiện cơ chế giá, xây dựng khung giao dịch năng lượng rõ ràng và khuyến khích sử dụng các giải pháp số để quản lý lưới điện. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ cả hai phía sản xuất và tiêu thụ, bao gồm ưu đãi đầu tư vào năng lượng tái tạo và phạt vi phạm đối với việc phát thải carbon quá mức cho phép.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ, loại bỏ trợ cấp đối với điện hình thành từ các nhiên liệu hóa thạch nhằm đẩy mạnh tính minh bạch và cạnh tranh công bằng trên thị trường mua bán điện.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khơi thông các dự án điện năng lượng tái tạo, cuối tháng 11/2024, Luật Điện lực sửa đổi đã được biểu quyết thông qua với 439 đại biểu tán thành, chiếm 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2025 tới đây.

Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan. Đặc biệt, Luật bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư dự án điện như: khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, chính sách mới về giá, hợp đồng mua bán điện; thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh; khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư….
Hy vọng khi Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực và đi vào thực thi cùng với các cơ chế, chính sách không ngừng được hoàn thiện sẽ giải quyết được vấn đề mấu chốt là việc xây dựng và ban hành biểu giá điện phù hợp cho cả điện gió, điện mặt trời, điện được hình thành từ các dạng năng lượng tái tạo khác hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh - không phát thải khí nhà kính của Chính phủ.