Theo báo Hà Nội Mới, vào sáng ngày 11/9, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, đêm 9/9, đoàn tàu thứ 9 của Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã cập cảng Hải Phòng.
Đoàn tàu được thiết kế, sản xuất tại Pháp, rồi được nhà sản xuất Alstom phối hợp với các đơn vị có liên quan vận chuyển bằng đường biển về Việt Nam. MRRB hiện đang làm các thủ tục để đoàn tàu được cẩu lên bờ. Đoàn tàu sau đó sẽ được vận chuyển bằng đường bộ về depot dự án tại Nhổn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Báo VietNamNet thông tin, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng số 10 đoàn tàu do nhà thầu Alstom (Pháp) thiết kế, chế tạo riêng cho dự án. Hiện nhà thầu đang tiến hành công tác thử nghiệm hệ thống. Các đoàn tàu đang được chạy thử nghiệm tích hợp với hệ thống.
Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, chạy bằng nguồn điện một chiều 750VDC, chở được 944-1.124 người/đoàn, với mật độ khoảng từ 6,6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h, tốc độ thiết kế 80km/h; vận hành trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1435 mm).
Thân tàu sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, thân thiện với môi trường. Màu sắc bên ngoài đoàn tàu được phối hợp ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng. Phần đầu tàu mang biểu tượng hình Khuê Văn Các đặc trưng Thủ đô.
Hạng mục sản xuất, chế tạo đoàn tàu thuộc gói thầu CP06 của dự án (đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCAD, tín hiệu, thông tin và cấp điện…) trị giá hơn 7.767 tỷ đồng, được chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng vào tháng 1/2017.
Thông tin trên báo Giao thông cho biết thêm, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Hà Nội đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao vào khai thác, vận hành vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Tuy vậy, đơn vị quản lý dự án cho biết, do ảnh hưởng của dich Covid-19 nên tiến độ các gói thầu bị chậm, nên sẽ không kịp khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021.