Đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trên mặt trận đối ngoại nhân dân

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, lĩnh vực hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu và chiều rộng, đạt được những kết quả quan trọng.

"Phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước"

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024), Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe chia sẻ từ TS.Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

NĐT: Thưa Chủ tịch, với gần 70 năm hình thành và phát triển, xin ông cho biết lịch sử phát triển của Hội Luật gia Việt Nam gắn với lịch sử dân tộc được thể hiện như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cấp Hội Luật gia Việt Nam, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV sẽ diễn ra vào Quý IV.

Nhìn lại chặng đường gần 70 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định Hội Luật gia Việt Nam luôn vững bước trên con đường phát triển với kim chỉ nam "Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, phát triển" trong sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, niềm tin yêu của nhân dân.

Quá trình phát triển của Hội Luật gia Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thế hệ luật gia đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đóng góp trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân ta giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trên mặt trận đối ngoại nhân dân- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền.

Hội Luật gia Việt Nam được thành lập dưới sự động viên, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 29/3/1955, khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia hội nghị thành lập hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngày 4/4/1955 Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NĐ-NV. Ngày 4/4/1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của hội Luật gia Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 13 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, phương thức tổ chức và hoạt động có những điểm khác nhau nhưng mục tiêu, tôn chỉ của Hội vẫn bảo đảm giữ vững.

NĐT: Như Chủ tịch nêu, lịch sử hình thành và phát triển của Hội Luật gia Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi "liền sau khi giải phóng Thủ đô, Đảng và Nhà nước đã sớm động viên luật gia Việt Nam tập hợp nhau lại tổ chức Hội Luật gia để cùng góp sức, góp tài phục vụ cách mạng". Xin ông cho biết thêm về vai trò của Hội trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Mục tiêu hoạt động đối ngoại trên vũ đài pháp lý quốc tế chính là cơ sở để Đảng và Nhà nước thành lập Hội Luật gia Việt Nam và cũng chính là sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao cho Hội, như cố Bộ trưởng Bộ tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Vũ Đình Hoè đã từng phát biểu:"Hội ta thành lập trong hoàn cảnh lịch sử 1955 là nhằm nói lên tiếng nói của giới chuyên môn pháp lý góp phần vào công cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân, buộc đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam, rồi sau khi chúng phản bội chữ ký thì Hội góp phần nêu cao và phát triển cơ sở pháp lý quốc tế của cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ chống chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ và bọn tay sai". Và do vậy ngay từ khi thành lập, Hội đã "xác định rõ mục tiêu của Hội là phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước".

Để thực hiện mục tiêu đó, Hội Luật gia Việt Nam đã luôn luôn nỗ lực và làm hết khả năng của mình trên lĩnh vực đối ngoại. Trong những thành tựu to lớn và đáng tự hào mà Hội Luật gia Việt Nam đạt được trong chặng đường gần 70 năm xây dựng và phát triển có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nâng cao vị thế của Hội trên trường quốc tế

NĐT: Xin Chủ tịch cho biết rõ hơn về những đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế thời gian qua?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trong thời kỳ đầu, hoạt động của Hội chủ yếu hướng vào đối ngoại, vận động các luật gia tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới tố cáo, lên án Đế quốc Mỹ xâm lược, gây tội ác với nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong các giai đoạn tiếp theo, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tham gia các hội nghị quốc tế và trình bày tham luận thể hiện quan điểm về các vấn đề quốc tế quan trọng như: Chống chế độ phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa apartheid, chống chạy đua vũ trang, thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới, một trật tự dân chủ quốc tế mới, thiết lập các khu vực không hạt nhân để góp phần đấu tranh chung cùng các luật gia tiến bộ trên thế giới…

Ngày 18/8/2000 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 56/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam đã xác định nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại: "Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới, tích cực tham gia tuyên truyền, giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn này hoạt động đối ngoại của Hội phát triển theo chiều sâu, theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức luật gia quốc tế và luật gia tiến bộ nước ngoài. Hội đã tích cực giới thiệu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đường lối đổi mới của nước ta trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại tại các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế mà hội đăng cai tổ chức hoặc tham dự.

Hội cũng mở rộng giao lưu với các tổ chức và cá nhân luật gia nước ngoài, chủ yếu với Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) và các tổ chức luật gia Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương…

Đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trên mặt trận đối ngoại nhân dân- Ảnh 2.

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc tại Hội thảo khoa học Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề "Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực".

Trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay với sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo Hội Luật gia các cấp, sự nỗ lực và tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên trách của Hội và toàn thể hội viên, trên cơ sở nguyên tắc, định hướng được xác định trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội tại các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt nam, lĩnh vực hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu và chiều rộng, đạt được những kết quả quan trọng, đưa lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Hội lên một bước phát triển mới, nâng cao vị thế của Hội trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào những kết quả to lớn của công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức luật gia có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Hội đã sử dụng cơ chế thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á-Thái Bình Dương (COLAP) và Hiệp hội luật ASEAN (ALA), phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để đấu tranh, vận động góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Với những đóng góp đó, Hội Luật gia Việt Nam đã được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng 01 cờ thi đua cho tập thể dẫn đầu (năm 2019) và 02 bằng khen cho tập thể xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực này (năm 2022 và năm 2023).

NĐT: Có thể khẳng định, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hoạt động này ra sao, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế rất quan trọng, đòi hỏi sự chung sức của tập thể cán bộ lãnh đạo, hội viên Hội Luật gia Việt Nam.

Trong thời gian tới, các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với tổ chức Luật gia thế giới, khu vực, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới; thực hiện và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và cải cách tư pháp theo đúng các nguyên tắc và định hướng của Đảng và Nhà nước.

Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các đối tác quốc tế; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; xây dựng, kết nối mạng lưới luật gia, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; hướng dẫn, tạo điều kiện nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ sở pháp lý phục vụ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, biện pháp để tham gia, đóng góp tích cực vào việc vận động, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tích cực tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp và tham gia tích cực vào việc đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng…

Đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trên mặt trận đối ngoại nhân dân- Ảnh 3.

Hội Luật gia Việt Nam được tặng Bằng khen của Ban Đối ngoại Trung ương trên lĩnh vực Đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc năm 2024.

Cùng với đó, tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) để vận động giới luật gia tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích của quốc gia, đặc biệt là trên Biển Đông.

Triển khai các hoạt động phù hợp trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các tổ chức nghề luật các quốc gia khác để trao đổi kinh nghiệm hoạt động, đồng thời qua đó chia sẻ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề có tính thời sự liên quan đến chủ quyền và lợi ích của quốc gia dân tộc.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang gần 70 năm qua, các cấp Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong các mặt công tác. Cùng với đó, tham gia tích cực vào việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Hoàng Thị Bích/Người đưa tin