Tinh dầu sả là một loại sản phẩm đang được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống. Không chỉ có tác dụng khử mùi, diệt khuẩn, tạo hương thơm dễ chịu đánh bay căng thẳng mà chúng còn mang rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người.
Theo một số thông tin cho biết, sả là một loại thực vật có hơn 50 chủng loại khác nhau. Trong đó, sả chanh là loại được sử dụng phổ biến trong công cuộc chiết xuất tinh dầu sả. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn là một trong những vị thuốc được người dân Brazil xưa dùng để chữa bệnh co giật, an thần và gây buồn ngủ.
Một số nghiên cứu đã tìm thấy trong sả có chứa rất nhiều dưỡng chất như citronellal, myrecene, norol geraniol, terpinolene và một số hợp chất flavonoid, phenolic,…Nhờ những tác dụng tuyệt vời của nó mà hiện nay khá nhiều người dùng tinh dầu sả chanh để diệt khuẩn, đặc biệt là đuỗi muỗi.
Dùng tinh dầu sả chanh nên lưu ý. Ảnh minh họa
Tuy nhiên theo bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, mùi vị của cây sả chanh làm tê liệt thần kinh của muỗi và khiến chúng bị mất phương hướng. Do đó, tinh dầu sả chanh cũng có tác dụng rất tốt trong việc xua đuổi muỗi, phòng chống sốt xuất huyết.
Tuy nhiên hhiện nay trên thị trường có nhiều loại tinh dầu sả giá rẻ, kém chất lượng. Những sản phẩm này thường là hương liệu tổng hợp. Một số chất trong tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể như toluen, aceton, focmaldehit… có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Những sản phẩm có mùi càng thơm, hương lưu lâu càng chứa nhiều hóa chất. Nguy hại nhất là tinh dầu thơm hoá học có nguồn gốc dạng benzene đa vòng thơm và các dẫn chất của benzene.
Benzene là một hoá chất có trong danh sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người. Nếu làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng, gây thiếu máu, rối loạn hồng cầu.
Ngoài ra, tùy theo cơ địa của mỗi người có thể xảy ra phản ứng nhạy cảm khác nhau. Việc sử dụng tinh dầu nồng độ cao có thể gây ra phỏng. Đặc biệt, với người có bệnh hen suyễn mãn tính, da dễ phản ứng nhạy cảm, gia đình có trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với tinh dầu.
Đối với những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với hóa chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát... Thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ. Đa số cơ thể không thể hiện phản ứng hương thơm trong thời gian ngắn, mà chỉ phản ứng khi bị tác động lâu dài, "tích" đủ lượng… thì sẽ gây tổn hại sức khỏe.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, một loại tinh dầu không dùng quá 3 tuần, tránh dùng hàng ngày để da không bị phụ thuộc, giảm hiệu quả. Nếu dùng tinh dầu hỗn hợp có thể dùng liên tiếp trong 3 tháng nhưng không quá 6 tháng. Người lần đầu sử dụng nên thực hiện một bài test bằng cách nhỏ một giọt tinh dầu nguyên chất vào 10ml nước ấm rồi lắc đều. Sau đó thoa lên vùng da mỏng nhất để thử phản ứng trong vòng 24 giờ.