Raditya Jati, người phát ngôn của Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, lực lượng cứu hộ dự đoán số người tử vong có thể còn tăng thêm, vì vẫn còn nhiều người bị vùi trong bùn.
"Chúng tôi vẫn đang thống kê tổng số người bị thương", ông Jati cho biết. Dự báo thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới.
Ngoài 44 người đã được tìm thấy thi thể, có 9 người khác bị thương. Theo AFP, số người bị thương có thể sẽ tăng lên do cơ quan chức năng đang thu thập báo cáo từ các địa phương.
Vài giờ trước khi người dân trên đảo Flores, đa số theo đạo Thiên Chúa, thức dậy để đón ngày lễ Phục sinh, thì trời mưa như trút nước, gây ra nhiều vụ lũ quét. Bùn tràn vào ngập nhà cửa, một số cây cầu và đường sá ở phía đông hòn đảo bị phá hủy.
Lực lượng cứu hộ đang phải vật lộn với thời tiết mưa to, sóng mạnh, và địa hình bị gián đoạn để tiếp cận những khu vực hẻo lánh, bị thiệt hại nặng nề nhất trên đảo.
Cũng trong ngày 4/4, ở tỉnh West Nusa Tenggara ở Indonesia, lũ lớn cũng làm 2 người thiệt mạng. Các con đập tại đây bị tràn nước, nhấn chìm gần 10.000 ngôi nhà ở Bima sau trận mưa như trút nước kéo dài suốt 9 giờ đồng hồ, ông Jati cho biết.
Sạt lở đất chết người và lũ quét thường xuyên xảy ra ở Indonesia vào mùa mưa khi những trận mưa như trút nước thường xuyên và không ngớt.
Vào tháng 1, lũ quét hoành hành thị trấn Sumedang thuộc tỉnh Tây Java, khiến 40 người thiệt mạng.
Tháng 9 năm ngoái, ít nhất 11 người thiệt mạng trong các trận lở đất ở đảo Borneo trong khi vài tháng trước đó, hàng chục người thiệt mạng trong các trận lở đất ở đảo Sulawesi.
Cơ quan thiên tai quốc gia Indonesia ước tính có 125 triệu người Indonesia - gần một nửa dân số nước này - sống trong các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất.