Liên tiếp các vụ học sinh ngộ độc thực phẩm tại trường, phụ huynh nên làm gì?

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học, phụ huynh cần giải quyết như thế nào để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé?

Nhiều vụ ngộ độc tập thể

Các em học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: Sggp.org.vn

Vụ ngộ độc thực phẩm mới đây nhất tại Trường tiểu học Bình Trưng Đông (TP.HCM) khiến 20 phải nhập viện trong tình trạng nôn ói, sốt tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Cụ thể, trưa 11/9 học sinh bán trú Trường Tiểu học Bình Trưng Đông ăn trưa với thực đơn bánh canh tôm và ăn chiều bằng bánh su kem. Sau khi ăn, tất cả học sinh không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, đến ngày thứ Bảy (12/9) và Chủ nhật (13/9), một số học sinh có biểu hiện sốt, nôn ói, đi ngoài.

Tối ngày 10/9, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết khoa cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu cho 26 trẻ được nuôi dưỡng ở chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) nghi do ngộ độc thực phẩm. Trong đó có 6 trường hợp bị mất nước nặng, phải truyền dịch; 1 trường hợp trụy mạch; các trường hợp còn lại sức khỏe tạm ổn.

Trước đó, vào trưa ngày 9/9 tại Trường tiểu học Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội), 22 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 4-5 lần, sốt nhẹ sau bữa ăn trưa tại trường.

Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc ở trường học?

Học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương được theo dõi sức khỏe tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) vào chiều 10-9. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Để đảm bảo vệ sinh ATTP bếp ăn trường học, nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền về kiến thức ATTP cho nhân viên nhà bếp. Trước khi cho trẻ ăn, phụ huynh hoặc nhà bếp tại các trường mầm non, tiểu học,… nên hâm lại thức ăn để tiêu diệt các vi khuẩn làm ô nhiễm thức ăn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn.

Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục ATTP cho biết các trường học hiện nay có hàng ngàn học sinh, mỗi ngày cung cấp vài ngàn suất ăn trưa (chưa tính bữa phụ) thì dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm kể cả cấp tính và mạn tính (trường hợp thực phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật).
“Do đó, chúng tôi đang tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hằng ngày tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556. Phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn hãy gọi cho chúng tôi. Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương", ông Châu nói.

Phụ huynh có thể kiểm tra chất lượng bữa ăn của trẻ tại trường học bằng cách:

Thường xuyên kiểm tra nhà bếp

- Nhà bếp phải đảm bảo sạch sẽ, cách xa nguồn ô nhiễm.

- Dụng cụ chế biến thức ăn sống, chín phải để riêng biệt.

- Có tủ kính đựng thực phẩm để trên kệ cao và màng lưới phòng chống côn trùng.

Đề nghị nhà trường cho xem giấy tờ mua bán thực phẩm

- Thực phẩm phải có hợp đồng mua bán và hóa đơn tài chính hợp lệ.

- Rau, củ, quả cần xuất xứ rõ ràng, chất lượng và đạt tiêu chuẩn.

- Sản phẩm thịt, cá,…có giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm định an toàn.

Kiểm tra đội ngũ nhân viên nấu ăn tại nhà bếp

- Nhân viên chế biến thực phẩm tại trường mầm non cần có trang phục riêng.

- Đảm bảo sức khỏe và có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể đi chợ mua thực phẩm cùng nhà bếp để đảm bảo tuyệt đối chất lượng bữa ăn của các con.