Món ăn xưa dành cho vua chúa, nay bị chê tệ nhất Việt Nam: Liệu có thật gây hại cho sức khỏe?

Bánh đậu xanh rất nổi tiếng, còn là thương hiệu gắn liền với tỉnh Hải Dương, nhưng lại bất ngờ bị xếp số 1 trong những món ăn tệ nhất Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ.

Mới đây, chuyên trang Taste Atlas - vốn được mệnh danh là bản đồ ẩm thực thế giới công bố bảng xếp hạng 45 món ăn bị đánh giá tệ nhất Việt Nam. Bảng xếp hạng này dựa trên bình chọn của độc giả của website ở khắp thế giới. Theo đó, món ăn đứng đầu bảng tệ nhất Việt Nam là bánh đậu xanh với 2,8/5 điểm. Đây cũng là món ăn đứng thứ 13 trong top những món tráng miệng tệ nhất thế giới.

Công bố trên khiến rất nhiều người bất ngờ, bởi đây là món ăn nhận diện thương hiệu tỉnh Hải Dương và món ăn truyền thống có từ lâu đời ở nước ta. Đáng nói, bánh đậu xanh trước đây chỉ vua chúa mới được thưởng thức, vì đây là lễ vật địa phương dùng để tiến vua.

Không chỉ là món ăn tệ nhất Việt Nam, đây còn là top món tráng miệng tệ nhất thế giới. Ảnh minh họa. 

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, dù là món ăn đặc sản nhưng bánh đậu xanh vẫn có những điểm hạn chế, tác động không tốt tới sức khỏe nếu lạm dụng. Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam (Viện dinh dưỡng Quốc gia), trong 100g bánh đậu xanh có 416 Kcal, 15,6g đường, 11,5g lipid, 62,4g glucid. Trong bánh đậu xanh còn có một số vitamin và khoáng chất như vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP và tiền tố vitamin A. Một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể có trong bánh đậu xanh là sắt 3.40mg, canxi 111mg.

Theo những thành phần cơ bản trên có thể thấy, lượng calo và đường trong bánh đậu xanh là rất lớn. Trong khi loại bánh này lại rất kích thích vị giác do có vị ngọt, vì thế có thể ăn vài chiếc một lúc, nhất là với trẻ nhỏ và chính điều này có thể gây nên những tác động xấu tới sức khỏe.

Bà Lâm cho biết, chỉ cần ăn 100g bánh đậu xanh năng lượng nạp vào đã gần tương đương với một bữa ăn chính của người trưởng thành, trong khi thành phần thực phẩm có trong bánh không hề đa dạng. Đặc biệt, lượng đường trong bánh đậu xanh khá lớn, trong khi khuyến cáo của WHO trung bình một người trưởng thành chỉ nên ăn 50g đường/ngày. Như vậy, việc ăn nhiều bánh đậu xanh, cộng thêm lượng đường nạp từ các nguồn thực phẩm, ngũ cốc, trái cây khác thì sẽ là quá nhiều so với khuyến cáo.

Trong khi đó, ăn nhiều đường, nhất là loại đường hấp thu nhanh, vượt quá khả năng chuyển hóa của cơ thể sẽ dẫn đến tăng đường trong máu, gây các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Lượng đường dư thừa sẽ tích lũy dưới dạng mỡ dự trữ trong cơ thể, lâu dài dẫn đến thừa cân, béo phì.

Điểm yếu gây tác động tới sức khỏe là bánh đậu xanh chứa nhiều đường và năng lượng, ăn nhiều dễ gây béo phì, rối loạn chuyển hóa. Ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cho biết, xét về độ an toàn thực phẩm thì bánh đậu xanh khá an toàn, vì nguyên liệu chính là bột đậu xanh và đường tinh khiết có vai trò tạo ngọt, không sử dụng các chất bảo quản khác.

Thế nhưng vị chuyên gia này cũng lưu ý, không phải ai cũng có thể ăn thoải mái loại bánh này, bởi nó có thể gây hại cho sức khỏe. Theo ông Thịnh, chỉ nên ăn bánh đậu xanh với số lượng ít để thưởng thức (1-2 chiếc nhỏ, tương đương khoảng 15-20g), không nên ăn nhiều. Không nên ăn ngay trước bữa ăn vì nó tạo cảm giác no bụng, không ăn được thực phẩm khác. khi ăn bánh đậu xanh cần giảm các thực phẩm có đường trong khẩu phần ăn để đảm bảo cân đối dinh dưỡng.

Một số người không nên bánh đậu xanh:

- Người có bệnh lý đái tháo đường.

- Người thừa cân, béo phì.

- Trẻ em, phụ nữ mang thai cũng hạn chế sử dụng bánh đậu xanh để tránh dư thừa cân nặng.

- Người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, rối loạn mỡ máu, người cao tuổi cũng cần hạn chế ăn bánh đậu xanh.

LÊ PHƯƠNG.