Ngành giáo dục Yên Bái: Nhiều khởi sắc trước thềm năm mới

Những năm qua, với sự vươn mình mạnh mẽ, ngành giáo dục Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp vào sự phát triển của toàn tỉnh.

Tín hiệu mừng từ giáo dục vùng khó

Với đặc thù là một tỉnh miền núi đa dân tộc, trong đó có 12 dân tộc bản địa cùng sinh sống lâu đời, đa số các dân tộc thiểu số Yên Bái sinh sống ở vùng núi và vùng cao nên đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, Yên Bái xác định phải có chính sách đặc thù với khu vực này. Trong đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và phát huy vai trò của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú.

Theo đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại. Công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục luôn được quan tâm. Công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được cải thiện. Chất lượng giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, nhất là giáo dục mũi nhọn.

dsc-2126-1620965945449-1639456163.jfif
Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái về sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đội ngũ công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp từng bước hợp lý để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được đầu tư.

Đặc biệt, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở luôn được tỉnh quan tâm. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện một số chính sách hỗ trợ nên nhiều trường đặc biệt khó khăn ở Yên Bái đến nay đã không còn cảnh lo học sinh bỏ học, lo chỗ ăn ở cho các em và thiếu nước sinh hoạt.

Hàng loạt những phòng học tạm, tranh, tre, nứa, lá được thay bằng những phòng học “ba cứng”. Công tác xây dựng trường “xanh - sạch - đẹp” được quan tâm. Đặc biệt là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú và mầm non, cơ bản đã được cung cấp đủ số trang thiết bị và đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Hầu hết các điểm trường ở bản đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, có đủ điều kiện để giáo viên yên tâm cắm bản.

Đẩy mạnh phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng

Hai năm qua, dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động trên địa bản tỉnh Yên Bái, song, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả tích cực ở các lĩnh vực, các cấp bậc học, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện.

Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để cùng cả nước chống dịch. Bộ GD&ĐT đã cắt giảm chương trình vừa phù hợp thực tế phòng, chống dịch vừa bảo đảm kiến thức, kỹ năng của chương trình dạy học.

Với phương châm học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, giáo viên không dừng dạy học và các hoạt động chuyên môn, nhà trường không dừng hoạt động; nhà trường đảm bảo an toàn mới đón học sinh đến trường và học sinh đi học phải an toàn, phát huy hiệu quả chương trình dạy học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Đối với các trường mầm non cũng đã thực hiện hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình qua mạng Internet...

Trong năm học 2020-2021, ngành cũng đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong dạy học và kiểm tra, đánh giá. Triển khai hiệu quả việc dạy học qua Internet, dạy học trực tuyến đặc biệt trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19, kho bài giảng với 1.861 video hướng dẫn cho trẻ mầm non, bài giảng trên truyền hình, đã hoàn thiện xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 465 cơ sở giáo dục và dạy nghề trong toàn tỉnh, 13.637 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và gần 220.578 hồ sơ học sinh, sinh viên…

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đề ra, ngành GD&ĐT đã triển khai mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

unnamed-1-1639456342.jpg
Duy trì dạy học trực tuyến cho học sinh.

Bên cạnh đó, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện khác để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cụ thể ngành đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức tập huấn về sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 tất cả các môn học cho 100% giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý.

Trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh Yên Bái có 623 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi môn văn hóa THCS, THPT cấp tỉnh, cấp quốc gia, trong đó cấp tỉnh 596 giải, cấp quốc gia 27 giải. Trong học kỳ I đã tổ chức thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, kết quả có 383 em học sinh đoạt giải.

Đồng thời, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi và các quy định của Bộ, toàn tỉnh có 7.091 thí sinh dự thi, trong đó có 6.946 thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp, đạt 97,96%, tăng 5,72% so với năm học trước.

Ông Vương Văn Bằng (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Mục tiêu quan trọng nhất của ngành đó là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rà soát chất lượng giáo dục một cách thực chất để có giải pháp khắc phục, đánh giá lại việc học và dạy ngoại ngữ; rà soát kỹ công tác chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã thường xuyên phối hợp với sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác đẩy mạnh phân luồng hơn nữa học sinh sau THCS. Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phòng chống tai nạn thương tích, tăng cường giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản nhất là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng cường phòng chống tai nạn thương tích...”.

yen-bai-1639456610.jpg
Các trường học tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng tại cơ sở, trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo theo nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo viên, tuyên truyền, vận động để học sinh không bỏ học. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chú trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đồng thời, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, sắp xếp và điều chỉnh quy mô trường, lớp gắn với tinh giản biên chế. Qua đó từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của thực tiễn; thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của toàn tỉnh.