Dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ với lựa chọn của mình là những từ mọi người dùng để nói về bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Traphaco, một trong những thương hiệu dược phẩm hàng đầu Việt Nam. Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực kinh doanh, đưa Traphaco từ một công ty Nhà nước trực thuộc bộ Giao thông vận tải nay nằm trong top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững, top 40 trên sàn giao dịch chứng khoán và là đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Bà Thuận lần thứ 2 được vinh danh trong top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Vietnam bình chọn năm 2019.
40 năm gắn bó với Đông dược
Doanh nhân Vũ Thị Thuận sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống về ngành Đông dược. Bà từng theo học Đại học Dược Hà Nội để có thể bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc như cha mẹ. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, bà quyết định về làm việc tại Công ty Dược và Thiết bị vật tư y tế (Traphaco, đơn vị phục vụ riêng cho ngành giao thông vận tải) để tiện việc chăm sóc mái ấm của mình.
Khởi đầu với vị trí cán bộ kỹ thuật, nhưng với chuyên môn sẵn có cùng tinh thần làm việc xông xáo, bà nhanh chóng đảm nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Công ty. Đây cũng là vị trí khiến bà quyết định cùng người lãnh đạo dẫn dắt Traphaco chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần. “Lúc đó, chưa biết gì về cổ phần hóa đâu, chỉ biết là phải có cơ chế tự làm chủ công việc, không lệ thuộc vào cơ chế và tài chính Nhà nước là xin - cho”, bà Thuận nhớ lại.
Ngày đó, động lực lớn nhất để bà cùng Ban lãnh đạo Traphaco quyết liệt hoàn tất quá trình cổ phần hóa chỉ trong 60 ngày vì đời sống nhân viên quá chật vật. Bằng chiến lược khác biệt, tập trung vào mảng Đông dược thay vì sản xuất tân dược từ các nghiên cứu đã hết hạn bản quyền như phần lớn các đơn vị khác, Traphaco từ một doanh nghiệp nhỏ đã nhanh chóng thành công ty sản xuất Đông dược lớn nhất Việt Nam.
Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và hiện tại là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco. 40 năm gắn bó với Traphaco, bà Thuận được coi là linh hồn của công ty, góp công lớn tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay.
Theo đuổi kinh tế xanh
"Nữ tướng Traphaco" chia sẻ, chính quan điểm hướng tới những giá trị truyền thống, sản phẩm xanh, sạch đã giúp công ty thành công. Cách đây 20 năm, khi các doanh nghiệp còn đang loay hoay về quan điểm phát triển thì Traphaco đã nghĩ tới kinh tế xanh. Hiện nay, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và phương pháp truyền thống được xem là kim chỉ nam của công ty này.
Có người đã gọi bà là “người đàn bà thuốc nam”, bởi Traphaco không nhập nguyên liệu mà tự sản xuất cây thuốc, từ bàn tay người nông dân trên chính mảnh đất của mình. Ngay cả khi áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, công ty cũng không cắt giảm lao động mà tìm hướng giải quyết vấn đề này, mục đích là để đảm bảo sinh kế cho người lao động. Mô hình 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học) được áp dụng triệt để. Nhờ vậy, không chỉ bản thân doanh nghiệp hưởng lợi mà những “nhà” khác cũng có lợi từ sản phẩm. Có lẽ đây là lý do chính khiến Forbes bị chinh phục để điền tên “người đàn bà thuốc nam” vào danh sách những người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan.Theo bà Thuận, năm 2021, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt hơn 7 tỉ USD. Những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển của ngành cực kỳ lạc quan. Trong bối cảnh đó, Traphaco có nhiều lợi thế. Bởi vì, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của dược liệu với hơn 4.000 cây thuốc. Đây sẽ là nền tảng để Traphaco không những kinh doanh tốt ở thị trường trong nước mà còn hướng đến công tác nghiên cứu, phát triển nền y học cổ truyền. Vì kinh doanh trên chất liệu ấy, Traphaco quyết tâm theo đuổi kinh tế xanh, con đường phát triển doanh nghiệp gắn liền với sự bền vững của môi trường.
Lo cho nồi cơm nhà người khác
Đề cập tới hình mẫu một người phụ nữ thành đạt, Chủ tịch Traphaco Vũ Thị Thuận cho rằng, trong thời đại ngày nay, có nhiều yếu tố để xác định điều đó, nhưng chung quy lại, trước hết phải là một người vợ, người mẹ tốt, bởi đó là thiên chức, là bản năng của người phụ nữ. Hơn nữa, cần có trí tuệ, một vị trí xứng đáng để được tôn trọng, cao hơn nữa là để “lo cho nồi cơm nhà người khác”. Lo ở đây là đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng xung quanh mình.
Lấy ví dụ ngay trong 50 người phụ nữ mà Forbes vinh danh, bà Thuận cho rằng, những nữ doanh nhân có mặt trong danh sách đã đóng góp nhiều cho xã hội, họ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người, chứ không chỉ làm giàu cho chính mình.